Tổ chức 1.318 điểm lưu động tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người ở vùng sâu, xa, khó tiếp cận
Thứ sáu - 11/11/2022 02:02
Đã có 1.318 điểm tiêm lưu động được tổ chức để hỗ trợ để tiêm chủng 738 ngàn liều vaccine COVID-19 cho những đối tượng khó khăn tại vùng sâu, vùng xa, các khu vực khó tiếp cận của 5 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Nam, và Ninh Thuận.
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp tổng kết kết quả hoạt động của dự án Hỗ trợ kỹ thuật triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Việt Nam ngày 10/11 do Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Bộ Y tế cùng với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chủ trì
Đây là dự án do USAID viện trợ từ Quỹ American Rescue Plan Act nhằm hỗ trợ Việt Nam phòng chống đại dịch COVID-19. Dự án này nằm trong khuôn khổ dự án MOMENTUM toàn cầu về Chuyển đổi và công bằng cho tiêm chủng thường xuyên của USAID. Dự án được Tổ chức tư vấn sức khỏe toàn cầu John Snow Inc. (JSI), Tổ chức PATH và phối hợp với một số đối tác khác để triển khai thực hiện.
Dự án Hỗ trợ kỹ thuật triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Việt Nam với mục tiêu cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho 5 tỉnh vùng sâu, vùng xa, các khu vực khó tiếp cận bao gồm Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Nam, và Ninh Thuận.
Tại cuộc họp, các chuyên gia nhận định mặc dù chỉ được triển khai tại Việt Nam trong thời gian ngắn (9 tháng), nhưng với tần suất hoạt động cao liên tục để đáp ứng các mục tiêu tiêm chủng thần tốc do Chính phủ và Bộ Y tế đề ra, dự án đã hỗ trợ hiệu quả và đạt được những thành tựu, kết quả đáng khích lệ.
Theo đó, hơn 4,7 ngàn cán bộ trong và ngoài y tế đã được tập huấn về tiêm vaccine COVID-19; đã thống kê được 1,7 triệu đối tượng sống trong vùng sâu, vùng xa, khó khăn mà chưa tiêm hoặc chưa tiêm đầy đủ vaccine, từ đó 1.318 điểm tiêm lưu động đã được tổ chức để hỗ trợ để tiêm 738 ngàn liều vaccine COVID-19 cho những đối tượng khó khăn nêu trên.
Các tỉnh đều đã cam kết và có lộ trình rõ ràng, nỗ lực duy trì các hoạt động tiêm vaccine COVID-19 sau khi dự án kết thúc.
Các cán bộ y tế ở 5 tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Nam, và Ninh Thuận đã được trang bị những công cụ hữu ích mà dự án đã phát triển như công cụ lập kế hoạch chi tiết, hệ thống google form báo cáo các chỉ số hàng ngày theo quy định của Bộ Y tế, cũng như cơ chế điều phối, phối hợp hiệu quả của các cán bộ y tế và ngoài y tế, với sự đồng thuận, chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm từ UBND địa phương.
Các bài học thành công của dự án tại 5 tỉnh này đã được tổng hợp và đúc kết lại thành "Tài liệu hướng dẫn tăng cường triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19" với mục đích là chia sẻ kinh nghiệm và hy vọng có thể nhân rộng ra các tỉnh, thành khác, và là một tài liệu tham khảo hữu ích cho các quốc gia khác cũng đang trong giai đoạn đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19.
Ông Bradley Bessire, Phó Giám đốc của USAID tại Việt Nam cho rằng nền tảng cho sự thành công của USAID MOMENTUM là quan hệ đối tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, ở cấp quốc gia và địa phương, để triển khai các hoạt động phù hợp với nhu cầu riêng của từng tỉnh trong 5 tỉnh dự án tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19.
Ông cũng bày tỏ hy vọng kết quả dự án sẽ được chia sẻ, nhân rộng và duy trì trong 5 tỉnh can thiệp và mở rộng ra các địa phương khác tại Việt Nam.
GS.TS. Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời và quý báu của USAID thông qua dự án MOMENTUM, và những kết quả mà dự án đã đạt được trong 9 tháng qua ở 5 tỉnh, thành nêu trên.
Ông cũng ghi nhận những đóng góp của dự án trong việc nâng cao năng lực của đội ngũ y tế, ngoài y tế bao gồm hỗ trợ công tác lập kế hoạch chi tiết một cách hiệu quả, tăng cường tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19, đảm bảo tổ chức tiêm an toàn hiệu quả, không để xảy ra phản ứng phụ không mong muốn trong toàn bộ quá trình tiêm, triển khai và tiếp cận các nhóm đối tượng khó tiếp cận nhằm đạt mục tiêu bảo phủ tiêm chủng vaccine COVID-19 đã được Chính phủ đề ra.