Để mọi trẻ em được sinh ra khỏe mạnh

Thứ năm - 29/07/2021 21:13
Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị tích cực triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”. Qua đó, giúp phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và sơ sinh để những đứa trẻ được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, nâng cao chất lượng dân số.
 
anh suong DS
Phụ nữ mang thai tìm hiểu kiến thức sàng lọc trước sinh và sơ sinh - Ảnh: N.T

Năm 2010, Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” được triển khai thí điểm bước đầu tại 50% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải tạo điều kiện cho các y, bác sĩ tham gia đào tạo, tập huấn chuyên sâu về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, đào tạo nâng cao kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh; tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, kỹ năng tuyên truyền, vận động đối tượng tham gia đề án cho viên chức dân số xã và cộng tác viên dân số; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cung cấp kiến thức cho người dân, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và chị em phụ nữ đang mang thai về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của đề án...

Phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Sàng lọc - Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải và các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố tổ chức hội thảo xã hội hóa dịch vụ sàng lọc sơ sinh; hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh hợp tác với Trung tâm xét nghiệm BIONET Việt Nam triển khai dịch vụ sàng lọc sơ sinh, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đã triển khai thực hiện Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”.


Qua đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi của người dân đối với công tác tầm soát trước sinh và sơ sinh. Kết quả, bình quân hằng năm có gần 30% thai phụ được sàng lọc trước sinh; trên 25% trẻ sơ sinh được sàng lọc (sàng lọc trước sinh 14.654 ca, trong đó có 222 ca nguy cơ cao; sàng lọc sơ sinh 10.279 ca, trong đó có 241 ca nguy cơ cao). Đặc biệt, thông qua kỹ thuật sàng lọc, hàng trăm thai phụ và trẻ sơ sinh được phát hiện các nguy cơ về bệnh lý di truyền và được chẩn đoán, tư vấn đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời giúp thai nhi và trẻ sơ sinh phát triển khỏe mạnh bình thường, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai đề án vẫn gặp không ít hạn chế, khó khăn. Đối với sàng lọc trước sinh và sơ sinh, trung ương cấp mẫu giấy thấm và bộ dụng cụ sàng lọc còn hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân.

Quảng Trị là địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề của hậu quả chiến tranh nên nhóm đối tượng được hỗ trợ thực hiện dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh theo Thông tư 26/2018/TT-BTC, ngày 21/3/2018 về việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2020 (người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người sống tại các vùng có nguy cơ cao, vùng nhiễm chất độc đioxin và chưa có thẻ bảo hiểm y tế) trong thực tế rất nhiều nhưng tỉ lệ thai phụ và trẻ sơ sinh được sàng lọc hằng năm vẫn còn thấp.


 Nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định 1999/QĐ-TTg, ngày 7/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030, góp phần nâng cao chất lượng dân số của địa phương, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh nhằm giảm thiểu số trẻ em sinh ra bị bệnh bẩm sinh, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số của địa phương đến năm 2030. Phấn đấu, có 50% cặp, nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn vào năm 2025 và 90% vào năm 2030. Hạn chế tối đa tình trạng tảo hôn và không có hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát (trước sinh) ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 35% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030. Tỉ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sơ sinh) ít nhất 5 loạt bệnh, tật bẩm sinh phổ biến đạt 60% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030. 100% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh; 70% trung tâm y tế huyện đủ năng lực cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát trước sinh, tầm soát sơ sinh theo hướng dẫn chuyên môn vào năm 2025 và 90% vào năm 2030. Tỉ lệ xã, phường, thị trấn có điểm, cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát trước sinh, tầm soát sơ sinh theo hướng dẫn chuyên môn đạt 50% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030.


Để thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra, tỉnh tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, chuyên môn kỹ thuật phục vụ cho sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và huy động toàn xã hội tham gia các hoạt động tầm soát chẩn đoán một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh; thực hiện nghiêm các quy định về cấm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh để nhiều người dân từ vùng thuận đến vùng khó biết, tham gia thực hiện.

                                                                                                                           Nguồn: baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết Website
Thống kê
  • Đang truy cập27
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm21
  • Hôm nay4,685
  • Tháng hiện tại118,085
  • Tổng lượt truy cập2,865,433
Dịch vụ Tiêm chủng
Khử trùng, diệt côn trùng
Quan trắc môi trường lao động
Khám, Chữa bệnh Đa Khoa
Dịch vụ xét nghiệm
Kiểm dịch Y tế quốc tế
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây