Cần sự chung tay trong công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm

Thứ năm - 22/04/2021 03:00
Bệnh không lây nhiễm (BKLN) tạo ra gánh nặng bệnh tật nặng nề do tỷ lệ tàn phế và tử vong cao. Nguy cơ mắc bệnh chủ yếu do lối sống có hại cho sức khỏe và các yếu tố môi trường không thuận lợi.
BKLN thường là các bệnh mạn tính, có thời gian bị bệnh dài và nhìn chung tiến triển chậm. Những người mắc các BKLN thường phải điều trị suốt đời. Nếu không được chăm sóc, kiểm soát tốt thì nhiều yếu tố nguy cơ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng có thể xảy ra.
 
KLN
Hội nghị triển khai công tác quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường tại huyện Đakrông, Quảng Trị

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay các BKLN bao gồm bệnh tim (nhồi máu cơ tim, đột quỵ), ung thư, bệnh phổi mạn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản) và đái tháo đường chiếm tới 70% số ca tử vong trên toàn cầu. BKLN giết chết 41 triệu người mỗi năm, trong đó bệnh tim mạch (17,9 triệu) theo sau là ung thư (9 triệu), bệnh hô hấp (3,9 triệu) và đái tháo đường (1,6 triệu). Gần 3/4 các ca tử vong do BKLN và 82% trong số 16 triệu ca tử vong sớm hay trước tuổi 70 xảy ra ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Sự gia tăng BKLN chủ yếu do 4 yếu tố nguy cơ chính là hút thuốc lá, lười vận động thể lực, sử dụng các chất kích thích gây hại và chế độ ăn không lành mạnh.

Tại Hội thảo ở Hà Nội vào đầu tháng 1/2021 về xây dựng kế hoạch quốc gia phòng, chống BKLN và các rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2021-2025. Bộ Y tế cho biết Việt Nam đang phải giải quyết gánh nặng bệnh tật kép. Trong khi các bệnh truyền nhiễm như COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, gánh nặng của các BKLN đang chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc. Ước tính mỗi năm tử vong do BKLN chiếm tới 77% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân, chủ yếu do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Đồng thời, số liệu cũng cho thấy trên thế giới đa số những người tử vong do bệnh dịch COVID-19 đều có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường hoặc các bệnh mạn tính khác.

Điều tra quốc gia năm 2015 cho biết: tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn cao, chiếm 45%; hiện có tới 77% nam giới uống rượu, bia và gần một nửa uống ở mức nguy hại; hơn một nửa số người trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây và người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so với mức khuyến nghị của WHO; khoảng 1/3 dân số hiện nay thiếu hoạt động thể lực và tỷ lệ thừa cân béo phì tăng trung bình 1%/năm.


Nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, dân số già hóa, lối sống không lành mạnh, thiếu sự phối hợp liên ngành, nhiệm vụ phòng, chống các yếu tố nguy cơ chủ yếu vẫn do ngành y tế đảm nhận. Còn thiếu nhiều chính sách để thúc đẩy hoạt động thể lực của người dân, khuyến khích tiêu thụ thực phẩm có lợi cho sức khỏe và hạn chế các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe. Bên cạnh đó, việc truyền thông chưa sâu rộng, nhận thức, thực hành của người dân và cộng đồng xã hội về phòng, chống BKLN còn nhiều hạn chế.
Ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá, rượu bia của người dân còn chưa cao.

Tỷ lệ người dân có kiến thức đúng về tự theo dõi phát hiện sớm bệnh, chăm sóc, theo dõi và tuân thủ điều trị vẫn còn thấp. Hơn nữa, hệ thống y tế chưa được định hướng đầy đủ theo tiếp cận phòng chống các bệnh mạn tính. Tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là ở đa số các trạm y tế xã, chưa triển khai đầy đủ các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị lâu dài - là yêu cầu đặc biệt quan trọng đối với BKLN. Đây cũng là lý do chính làm cho số người mắc bệnh được phát hiện và được quản lý điều trị còn ít. Và điều quan trọng không kém là nguồn lực tài chính còn rất hạn hẹp, thiếu bền vững trong khi những bệnh này chiếm tới trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong.


Trước sự gia tăng các BKLN và hậu quả do nó gây ra, bước đầu ngành y tế Quảng Trị đã thiết lập Phòng Quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản đặt tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao và bệnh phổi, qua thu dung điều trị số bệnh nhân hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trong giai đoạn 2016-2020 tăng cao.

Hiện các
BKLN như đái tháo đường, rối loạn do thiếu I ốt, tăng huyết áp tại cộng đồng chưa được phát hiện còn cao, nhiều người được phát hiện bệnh thông qua các đợt khám sàng lọc. Số bệnh nhân được phát hiện bệnh tăng huyết: 15.176 trường hợp, số bệnh nhân tăng huyết áp trong tỉnh đang quản lý: 18.439 trường hợp, điều trị đạt huyết áp mục tiêu: 5.955 trường hợp (Số cộng dồn đến tháng 8/2020)… Theo báo cáo điều tra về tỷ lệ mắc đái tháo đường vào năm 2019 thì trong 1.200 người thì có đến 4,1% người bị đái tháo đường, 14,1% tiền đái tháo đường tương đương với số liệu quốc gia; ….

Để góp phần hạn chế cũng như phát hiện và điều trị các BKLN trong công động, ngành y tế đã phối hợp với Viện Tim mạch quốc gia tổ chức điều tra tại 9 điểm, triển khai 35 đợt khám sàng lọc về bệnh tăng huyết áp; triển khai khám sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; xây dựng mô hình quản lý bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp tại 9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cam Lộ; thực hiện công tác báo cáo BKLN trên phần mềm điện tử; tổ chức 44 lớp tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh tăng huyết áp;
Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động truyền thông hiệu quả nhằm nâng cao sức khỏe đặc biệt là truyền thông, hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết tự phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh để đi khám, chữa kịp thời, biết tuân thủ điều trị tại nhà khi mắc bệnh…
.

Hiện nay, ở nước ta nói chung cũng như Quảng Trị nói riêng ngành y tế đang thực hiện mục tiêu kép vừa phải căng mình chống chọi với các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, bạch hầu, tay chân miệng, whitmore…. đặc biệt là các dịch bệnh mới nổi như COVID-19 vừa phải thực hiện các nhiệm vụ phòng chống các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch….. Do đó, bên cạnh nỗ lực của ngành y tế, rất cần sự chung tay vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là người dân trong việc tuân theo hướng dẫn và khuyến cáo của ngành y tế như tập thể dục thường xuyên, hạn chế bia rượu, giảm thu nhận muối trong thực phẩm khi chế biến và từ bỏ thói quen hút thuốc lá.                  

Tác giả bài viết: Lê Thạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết Website
Thống kê
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay5,672
  • Tháng hiện tại122,458
  • Tổng lượt truy cập2,869,806
Dịch vụ Tiêm chủng
Khử trùng, diệt côn trùng
Quan trắc môi trường lao động
Khám, Chữa bệnh Đa Khoa
Dịch vụ xét nghiệm
Kiểm dịch Y tế quốc tế
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây