Bộ Y tế đề xuất gói BHYT bổ sung: Quy định thế nào, ai được tham gia?

Thứ ba - 10/10/2023 20:52
Gói bảo hiểm y tế (BHYT) bổ sung là BHYT tự nguyện, áp dụng cho những người đã tham gia BHYT bắt buộc. Doanh nghiệp tham gia cung cấp gói bảo hiểm này không được lựa chọn đối tượng, quy định loại trừ người bệnh, không chỉ chọn người khỏe ký hợp đồng mà là tất cả người dân có điều kiện, có nhu cầu.
 
ThS Trần Thị Trang - Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) nhấn mạnh nội dung trên tại tọa đàm về chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) bổ sung trong dự án luật BHYT sửa đổi do Bộ Y tế phối hợp Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức hôm nay - 10/10.
 
bhyt bo sung ba tran thi trang 1696923864097570919747
Đoàn chủ toạ buổi toạ đàm: Ông Lê Văn Khám - Uỷ Viên chuyên trách Uỷ ban xã hội của Quốc hội, Bà Trần Thị Trang - Quyền Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), Ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm thanh toán đa tuyến của BHXH Việt Nam và bà Tổng Thị Song Hương - Chánh Văn phòng Tổng hội Y học Việt Nam.

BHYT bổ sung là BHYT tự nguyện, nhà nước sẽ quy định nguyên tắc xây dựng mức phí để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh
Theo ThS Trần Thị Trang, loại hình BHYT đang thực hiện là chính sách BHYT an sinh xã hội, bảo hiểm bắt buộc do Nhà nước đảm bảo để nâng cao chăm sóc sức khỏe toàn dân.

"Chúng ta đang hướng tới bao phủ BHYT toàn dân. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn phát triển BHYT bổ sung, dự kiến đề xuất thực hiện liên kết giữa BHYT xã hội và cơ sở kinh doanh BHYT thương mại để người dân có thêm lựa chọn"- ThS Trần Thị Trang thông tin.

Nhấn mạnh chính sách BHYT bổ sung là một trong những điểm quan trọng trong Nghị quyết 20, đảm bảo tính tiên tiến, hội nhập quốc tế trong xây dựng chính sách, ThS Trần Thị Trang cho hay, gói BHYT bổ sung nhằm xây dựng các gói quyền lợi y tế ngoài phạm vi chi trả của BHYT, tăng quyền lợi, giảm chi từ "tiền túi" của người bệnh.

Dự kiến gói BHYT bổ sung này là BHYT tự nguyện, người dân có mong muốn tham gia, trên cơ sở đã tham gia BHYT bắt buộc. Gói BHYT bổ sung sẽ bao phủ chi trả giá trị tăng thêm như phần đồng chi trả, quyền lợi tăng thêm mà người bệnh có nhu cầu, dịch vụ tăng thêm so với các dịch vụ đang được BHYT cung cấp.

"Về mức phí cho BHYT bổ sung, hiện nay sẽ do phía đơn vị kinh doanh bảo hiểm quy định. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ quy định nguyên tắc xây dựng mức phí để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, phạm vi chi trả không được trùng lắp với BHYT bắt buộc"- ThS Trang nêu rõ.

Doanh nghiệp tham gia cung cấp gói bảo hiểm này không được lựa chọn đối tượng, không được có quy định loại trừ người dân, không chỉ chọn người khỏe ký hợp đồng mà là tất cả người có điều kiện, có nhu cầu.

Để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia, doanh nghiệp sử dụng kết quả giám định của cơ quan bảo hiểm xã hội để xác định chi phí phù hợp, đúng quy định. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ đề xuất cơ chế pháp lý rõ ràng để giám sát việc thực hiện BHYT bổ sung.
Quyền lợi BHYT bổ sung thế nào?

Chia sẻ tại tọa đàm, ThS Hoàng Trung Tuấn - Vụ BHYT cho biết: Việc phối hợp giữa BHYT và bảo hiểm thương mại sẽ kết hợp nguồn tài chính từ quỹ BHYT xã hội với nguồn tài chính từ các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại thông qua liên kết giữa hai loại hình bảo hiểm để bảo vệ tài chính cho người tham gia bảo hiểm trong sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Mục đích của gói BHYT bổ sung là xây dựng các gói quyền lợi y tế ngoài phạm vi chi trả của BHYT.

Phạm vi chi trả của gói không trùng lặp với phạm vi được hưởng và mức hưởng của BHYT bắt buộc. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân mua, hỗ trợ mua BHYT bổ sung, khuyến khích các tổ chức thực hiện BHYT bổ sung theo nguyên tắc phi lợi nhuận.

Cũng theo ông Tuấn, Quỹ BHYT bổ sung là quỹ tài chính nằm ngoài ngân sách nhà nước hình thành từ nguồn đóng BHYT bổ sung và các nguồn thu hợp pháp khác, được sử dụng để chi trả chi phí y tế bổ sung ngoài phạm vi thanh toán của BHYT bắt buộc cho người tham gia BHYT bổ sung và các chi phí khác theo quy định của pháp luật về BHYT và pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Theo TS Nguyễn Khánh Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, hướng tới bao phủ BHYT toàn dân, cần huy động đủ nguồn tài chính đáp ứng yêu cầu người dân được chăm sóc sức khoẻ khi có nhu cầu, đồng thời, phải bảo giảm chi trực tiếp từ tiền túi cho chăm sóc sức khoẻ, hạn chế rào cản tài chính trong tiếp cận chăm sóc sức khoẻ của người dân; tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực cho chăm sóc sức khoẻ...

"Việc thực hiện gói BHYT bổ sung sẽ góp phần tăng số người tham gia BHYT bắt buộc, tăng số người tham gia BHYT bổ sung, tạo công bằng, thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT, nâng cao hiệu quả hoạt động của tuyến y tế cơ sở, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và quản lý, sử dụng quỹ BHYT..."- TS Khánh Phương nói.

BHYT bổ sung cũng giúp tăng tiếp cận dịch vụ y tế bao gồm cả dịch vụ theo yêu cầu, kỹ thuật cao (có mức đồng chi trả lớn)…

Chuyên gia khuyến nghị gì khi thực hiện  BHYT bổ sung?
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong triển khai gói BHYT bổ sung, ông Xia Hao- Phó Giám đốc tiếp cận thị trường toàn cầu của công ty MSD cho biết: Tại Trung Quốc, BHYT bổ sung (SMI) là một tầng mới nằm giữa BHYT cơ bản và bảo hiểm sức khỏe thương mại, được quản lý bởi Chính phủ và vận hành bởi các công ty BH thương mại. BHYT bổ sung là danh cho các bệnh lý y khoa nghiêm trọng (bệnh hiếm, bệnh ung thư,…). BHYT bổ sung sẽ chi trả các quyền lợi mà BHYT cơ bản chưa chi trả (ví dụ như các thuốc phát minh, các dịch vụ kỹ thuật cao,…).

Nhấn mạnh vai trò của Chính phủ là chìa khóa quyết định thành công của chính sách BHYT bổ sung, ông Xia Hao cho biết: Mức độ tham gia của Chính phủ là chìa khóa để thành công. Chính phủ xây dựng nguyên tắc thực hiện BHYT bổ sung: gói quyền lợi, khoảng phí bảo hiểm, tỷ lệ tổn thất. Việc xây dựng các gói BHYT bổ sung cần bảo đảm việc thiết kế gói quyền lợi cần theo sát đặc điểm của dân số địa phương. BHYT bổ sung nên tập trung cho các chi tiều y tế lớn (như các bệnh lý đặc biệt nghiêm trọng hay bệnh hiếm).

ThS Trần Thị Trang cho biết, Bộ Y tế đang nghiên cứu việc đa dạng hóa các gói BHYT phù hợp với mức đóng. Điều này nhằm chi trả cho một số dịch vụ chưa được BHYT chi trả như gói khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người già, khám, chẩn đoán sàng lọc phát hiện sớm một số bệnh… giảm chi phí người dân bỏ ra cho việc chi trả dịch vụ y tế.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng cho rằng có thể thu thêm một khoản phí để phục vụ việc khám, chẩn đoán, phát hiện sớm một số bệnh như ung thư. Những bệnh này nếu để đến giai đoạn nặng mới phát hiện, điều trị thì hiệu quả thấp, giảm thời gian sống, tăng nguy cơ tử vong, tốn kém chi phí điều trị (tiền thuốc, tiền giường…).

                                                                                                              Nguồn: suckhoedoisong.vn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết Website
Thống kê
  • Đang truy cập9
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm7
  • Hôm nay5,672
  • Tháng hiện tại122,536
  • Tổng lượt truy cập2,869,884
Dịch vụ Tiêm chủng
Khử trùng, diệt côn trùng
Quan trắc môi trường lao động
Khám, Chữa bệnh Đa Khoa
Dịch vụ xét nghiệm
Kiểm dịch Y tế quốc tế
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây