Kháng thuốc - nỗi lo của cả cộng đồng

Thứ hai - 02/10/2023 21:08
Được dự đoán sẽ khiến nhiều người tử vong hơn cả ung thư vào năm 2050, kháng thuốc hay kháng kháng sinh là một trong những mối đe dọa lớn nhất hiện nay đối với sức khỏe cộng đồng.
 
8ca65ff794ba7de424ab
Sử dụng kháng sinh không hợp lý là nguyên nhân gây kháng thuốc. (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Sử dụng kháng sinh không hợp lý

Việt Nam cũng không ngoại lệ khi là một trong các quốc gia những năm gần đây phải chứng kiến mối đe dọa ngày càng gia tăng của kháng thuốc, do việc sử dụng kháng sinh không hợp lý tại các cấp của hệ thống chăm sóc sức khỏe, trong nuôi trồng thủy sản, trong chăn nuôi và trong cộng đồng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá Việt Nam xếp thứ 2 trong các quốc gia thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương có nhiều ca tử vong do kháng kháng sinh và đứng thứ 11 thế giới về tiêu thụ kháng sinh.

Nguyên nhân gây ra đề kháng kháng sinh bao gồm kê toa kháng sinh khi không cần thiết hay bệnh nhân không tuân thủ điều trị, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, hệ thống vệ sinh yếu kém, kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện và phòng khám chưa tốt, chưa có kháng sinh mới. Trong đó nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là việc sử dụng kháng sinh không đúng đơn, ở Việt Nam tỷ lệ lên tới 91% ở khu vực nông thôn và thành thị.

Theo thông tin từ Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc thì có những nguyên tắc cơ bản sử dụng kháng sinh như: Đúng thuốc; Đúng liều; Đủ thời gian; Đúng cách.

Tình trạng kháng thuốc đã được ghi nhận gia tăng ở nhiều tuyến y tế thời gian gần đây. Tại khoa cấp cứu, trung bình có khoảng 40 - 60% ca bệnh được chuyển từ tuyến dưới lên gặp tình trạng kháng thuốc, rất khó khăn trong điều trị. Việc sử dụng quá liều và lạm dụng thuốc kháng sinh đã khiến nhiều loại vi khuẩn kháng lại nhiều biện pháp điều trị, trong khi các phương pháp điều trị thay thế hiện đang được phát triển lại ít đến báo động. Kháng thuốc ảnh hưởng tới mọi đối tượng với các độ tuổi khác nhau, trong đó các bệnh viêm phổi, lao, lậu và nhiễm khuẩn salmonella trở nên khó điều trị hơn do thuốc kháng sinh dần kém hiệu quả.

Khi tình trạng kháng thuốc diễn ra, người bệnh có thời gian nằm viện lâu hơn, chi phí y tế cao hơn và tăng tỷ lệ tử vong. Đồng thời, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý không chỉ tác hại trực tiếp trên người bệnh mà còn tác hại gián tiếp cho cộng đồng, do sự lây lan và phát triển của các vi khuẩn kháng thuốc. Các nghiên cứu chỉ ra ngày càng có nhiều vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh như phế cầu penicilin, vi khuẩn đường ruột kháng quinolon và tụ cầu vàng kháng meticillin tại cộng đồng.

Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc

Theo Bộ Y tế, sử dụng kháng sinh hợp lý để ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc xuất hiện, biến đổi và lây lan. Việc sử dụng kháng sinh hợp lý giúp cải thiện hiệu quả điều trị, giảm thiểu các biến cố bất lợi có liên quan tới điều trị kháng sinh, giảm sử dụng kháng sinh, ngăn ngừa kháng kháng sinh và giảm thiểu chi phí điều trị không cần thiết.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1121/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu chung làm chậm sự tiến triển kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm, đồng thời bảo đảm sự sẵn có, liên tục các thuốc kháng vi sinh vật và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật hợp lý để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người và động vật, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Từ nay đến năm 2030, Chiến lược đề ra 4 mục tiêu cụ thể là: Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế, thú y và người dân về phòng, chống kháng thuốc; Củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng kháng thuốc của các vi sinh vật; Giảm sự lan truyền của vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm; Sử dụng thuốc kháng vi sinh vật ở người và động vật hợp lý, an toàn và có trách nhiệm.

Chiến lược phấn đấu đến năm 2045 kiểm soát cơ bản tình trạng kháng thuốc, có hệ thống giám sát kháng thuốc, sử dụng, tiêu thụ kháng sinh hoạt động hiệu quả tương đương với các nước phát triển.

                                                                                                                           Nguồn: baophapluat.vn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Dịch vụ Tiêm chủng
Khử trùng, diệt côn trùng
Quan trắc môi trường lao động
Khám, Chữa bệnh Đa Khoa
Dịch vụ xét nghiệm
Kiểm dịch Y tế quốc tế
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây