Tiêm vắc xin để chủ động phòng ngừa, đẩy lùi COVID-19

Thứ sáu - 13/08/2021 13:59
Hiện nay, người dân trên địa bàn rất quan tâm đến những thông tin về chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 của tỉnh. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn ông TRẦN VĂN THỊNH, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị.

 
bqt
Ông TRẦN VĂN THỊNH, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị.
 - Thưa ông! Đề nghị ông cho biết mục đích, ý nghĩa của chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh?

- Tiêm phòng vắc xin COVID-19 là một trong các giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch, giúp kiểm soát tình hình COVID-19, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 trên địa bàn nhằm chủ động phòng dịch cho các đối tượng có nguy cơ cao và cho cộng đồng. Chiến dịch này hướng đến mục tiêu 92% người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn được tiêm vắc xin COVID-19 trong năm 2021 và 95% dân số được tiêm phòng đến hết quý I/2022.

- Thời gian qua, việc triển khai tiêm vắc xin cho cán bộ, người dân trên địa bàn đã diễn ra như thế nào và đạt kết quả ra sao, thưa ông?

- Tính đến ngày 9/8/2021, Quảng Trị được Bộ Y tế phân bổ 72.060 liều vắc xin AstraZeneca, Pfizer, Moderna. Hiện nay, sở đã tiếp nhận 50.240 liều. Toàn tỉnh đã tiến hành 3 đợt tiêm với 37.692 mũi cho các đối tượng nguy cơ cao theo thứ tự ưu tiên, tỉ lệ tiêm vắc xin đạt 100%. Hiện tại, ngành Y tế tỉnh đang tiếp tục triển khai các mũi tiêm của đợt 4. Qua ghi nhận, việc tiêm vắc xin COVID-19 đảm bảo an toàn và hiệu quả. Một vài trường hợp có phản ứng không mong muốn ở mức độ nhẹ và vừa đã được xử trí kịp thời, chưa xảy ra tai biến nặng trong và sau tiêm chủng.

- Từ thực tiễn tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong thời gian qua rút ra những kinh nghiệm gì?

- Thành quả bước đầu trong tiêm vắc xin COVID-19 là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ý thức, trách nhiệm của các đối tượng tiêm chủng. Về phần mình, ngành y tế đã thực hiện nghiêm túc các quy trình chuyên môn của Bộ Y tế. Từ thực tiễn, ngành đã rút ra nhiều kinh nghiệm. Trước tiên, cán bộ, nhân viên y tế phải thực hiện nghiêm túc việc rà soát, khám sàng lọc, theo dõi phản ứng sau tiêm cho đối tượng tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Công tác hồi sức, cấp cứu phòng ngừa các phản ứng bất lợi trong và sau tiêm chủng phải luôn được sẵn sàng. Trong quá trình tiêm chủng, điều quan trọng là phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

- Sắp tới, trên địa bàn tỉnh sẽ phải tiêm số lượng lớn liều vắc xin COVID-19 cho nhiều người trong thời gian ngắn. Đề nghị ông thông tin về công tác chuẩn bị của ngành y tế tỉnh?

- Có thể nói đây là một chiến dịch tiêm chủng lớn nhất, chưa từng có trong lịch sử. Từ kinh nghiệm rút ra trong thời gian qua, trên cơ sở kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 của UBND tỉnh, ngành y tế sẽ tiếp tục chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, cơ quan đơn vị trên địa bàn điều tra, rà soát và lập danh sách theo các nhóm đối tượng tiêm chủng. Sở đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực… để đáp ứng đủ năng lực thực hiện công tác tiêm chủng với số lượng lớn, trên diện rộng và thời gian ngắn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác tiêm chủng được quan tâm. Cùng với đó, ngành y tế tỉnh tăng cường các hoạt động truyền thông về công tác tiêm chủng COVID-19.
 
bq
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên theo quy định - Ảnh: Q.H

- Một điều được nhiều người quan tâm là các điểm tiêm chủng mở rộng khắp trên địa bàn tỉnh thì việc đảm bảo độ an toàn, tin cậy như thế nào?

- Các điểm tiêm chủng hiện đang sử dụng các cơ sở tiêm chủng mở rộng của ngành y tế, huy động các bệnh viện tuyến tỉnh, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ của Nhà nước, tư nhân và các cơ sở khác đủ điều kiện tiêm chủng theo quy định. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng cổng 140 cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng, trong đó có 125 cơ sở tiêm chủng tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Các điểm tiêm chủng đều đảm bảo các tiêu chí cơ sở an toàn tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Sở Y tế đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về công tác xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm chủng cho các cơ sở tham gia tiêm chủng vắc xin COVID-19, đảm bảo các đơn vị thực hiện đúng các quy trình chuyên môn về giám sát và xử trí sốc phản vệ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cùng với đó, sở tổ chức các tổ cấp cứu lưu động bố trí tại các địa bàn theo cụm, thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu và vận chuyển lên tuyến trên các bệnh nhân có phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin COVID-19.

- Trong quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” của tỉnh, đối tượng người lao động trong các doanh nghiệp có được ưu tiên không, thưa ông?

- Trong số 16 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 có người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp; cơ sở kinh doanh, dịch vụ thiết yếu; cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng; người dân ở vùng, khu du lịch. Việc ưu tiên tiêm vắc xin cho nhóm đối tượng này nhằm đảm bảo cho người lao động an tâm tham gia hoạt động xây dựng và phát triển kinh tế.

- Để bảo đảm an toàn tối đa trong tiêm chủng, hạn chế sốc phản vệ sau tiêm, bản thân người được tiêm cần quan tâm thực hiện tốt điều gì, thưa ông?

- Để đảm bảo công tác tiêm chủng an toàn, khi đến các cơ sở tiêm chủng, người dân cần lưu ý chuẩn bị giấy tờ tùy thân; trình bày trung thực về bệnh lý trước đó để được bác sĩ khám, sàng lọc và tư vấn trước khi tiêm; đi tiêm đúng ngày, giờ hẹn và tuân thủ thực hiện 5K tại điểm tiêm chủng; không uống rượu, bia trước và vào ngày tiêm chủng… Sau khi tiêm vắc xin COVID-19, người dân phải tuân thủ lời dặn của cán bộ y tế, theo dõi ít nhất 30 phút tại điểm tiêm, tự theo dõi sức khỏe tại nhà 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi cho đến hết 28 ngày. Nếu có bất cứ triệu chứng nào phát sinh, phải báo ngay cho bác sĩ tại nơi tiêm hoặc qua đường dây nóng của ngành y tế. Một điều quan trọng nữa là cần lưu giữ giấy xác nhận tiêm vắc xin COVID-19.

- Thực tế, một số ít trường hợp vẫn nhiễm COVID-19 sau khi đã được tiêm vắc xin. Ông có khuyến cáo gì với người dân?

- Thực tế, không loại vắc xin nào có hiệu lực bảo vệ 100%. Hơn nữa, vắc xin phòng COVID-19 là loại vắc xin mới, thời gian nghiên cứu và đánh giá hiệu lực bảo vệ ngắn; được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp. Trong khi đó, vi rút luôn tự biến thể. Vì thế, sau tiêm chủng đầy đủ, một số ít trường hợp vẫn có thể mắc COVID-19. Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong cho người mắc. Mỗi loại vắc xin có hiệu lực bảo vệ khác nhau và ở mỗi người đáp ứng đối với vắc xin cũng khác nhau. Vì vậy, việc cần thiết của mỗi chúng ta là sẵn sàng tiêm vắc xin khi có thể và giữ cơ thể luôn ở trạng thái tốt nhất để tạo kháng thể chống lại vi rút COVID-19 sau tiêm chủng.

Xin cảm ơn ông!

                                                                                                                      Nguồn: baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết Website
Thống kê
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay2,180
  • Tháng hiện tại78,836
  • Tổng lượt truy cập2,952,578
Dịch vụ Tiêm chủng
Khử trùng, diệt côn trùng
Quan trắc môi trường lao động
Khám, Chữa bệnh Đa Khoa
Dịch vụ xét nghiệm
Kiểm dịch Y tế quốc tế
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây