Nghiên cứu rối loạn trầm cảm sau sinh và thông điệp nhân văn

Thứ hai - 29/01/2024 10:14
Nhóm nữ bác sĩ ở Quảng Trị đã có nghiên cứu nhằm cung cấp cái nhìn khách quan và chính xác về vấn đề trầm cảm sau sinh (TCSS) tại cộng đồng; đồng thời tìm hiểu các yếu tố liên quan nhằm góp phần xây dựng kế hoạch phòng ngừa và hỗ trợ phụ nữ sau sinh.
 
Câu chuyện đau lòng vì người mẹ trầm cảm sau sinh

Vào khoảng 5 giờ 15 phút ngày 11/12/2022, tại hồ Trung Chỉ (người dân thường gọi đập Cọ Dầu) thuộc phường Đông Lễ, TP Đông Hà, trong lúc tập thể dục buổi sáng người dân phát hiện một chiếc xe máy hiệu SH Mode dựng trên bờ hồ cùng với chiếc mũ bảo hiểm nữ.

Tiếp đó, phát hiện thêm 1 đôi dép nữ màu đen cùng 1 chiếc túi xách trên cầu của nhà vận hành hồ Trung Chỉ, người dân điện báo cơ quan Công an và chính quyền địa phương. Sau một thời gian trục lặn, khoảng 8 giờ 30 phút sáng cùng ngày, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (thuộc Công an tỉnh Quảng Trị) đã tìm thấy thi thể của nạn nhân.

Nạn nhân là chị H.Th.Q. (sinh năm 1999, trú tại thôn Minh Chính, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ). Bố của chị Q. cho biết, trước khi xảy ra sự việc, Q để lại tin nhắn cho gia đình với nội dung “con gái bất hiếu, tạm biệt mẹ”. Chị Q. đang có con nhỏ một tuổi rưỡi (theo thông tin trên Báo Quảng Trị điện tử, ).

Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Trị mới đây đã đưa ra xét xử vụ án Giết người mà bị cáo chính là mẹ ruột của bị hại. Đứa trẻ xấu số, tuổi đời chưa tròn ngày thôi nôi ấy đã tắt lìa sự sống trong cơn điên loạn bộc phát của người mẹ nghèo do TCSS nhưng không kịp được phát hiện để chữa trị. Nữ bị cáo T.Kh. (31 tuổi), là người dân tộc ít người ở vùng cao tỉnh Quảng Trị. Sau 12 năm kết hôn, Kh. đã là mẹ của 3 đứa con. Chồng của Kh. hiền lành, gia đình tuy nghèo nhưng đầm ấm, thuận hòa.

Tuy nhiên, sau khi sinh con thứ 3 vào năm 2021, sức khỏe của Kh. giảm sút, rơi vào TCSS, không kiểm soát được cảm xúc và hành vi, hay nổi nóng, hay tự trách mình không chăm được con và bệnh diễn biến ngày càng nặng. Ngày 28/1/2022, lúc ấy, mọi người vẫn tranh thủ lên rẫy, chỉ Kh. ở nhà trông coi con út 8 tháng tuổi. Khi đang ẵm con tại nhà bố đẻ thì con quấy khóc. Kh. dỗ dành mãi mà con vẫn không nín, Kh. giận giữ, nảy sinh ý định hại con. Kh. bế con xuống nhà bếp. Trong cơn điên dại cùng với ánh dao lóe lên trong tích tắc, Kh. đã sát hại con mình. Như người vô hồn, Kh. đưa con ra Rừng Ma để chôn (Theo Báo Quảng trị điện tử, bài viết "Nỗi đau mang tên “trầm cảm").

Một vụ việc đau lòng khác: Ngày 19/11/2023, chị N.T.H. (sinh năm 1995) ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ được phát hiện đã tự tử tại nhà sau khi sinh con 2 tháng.

Nhằm có cái nhìn khách quan và chính xác về vấn đề TCSS tại cộng đồng đồng thời tìm hiểu các yếu tố liên quan nhằm góp phần xây dựng kế hoạch phòng ngừa và hỗ trợ phụ nữ sau sinh, nhóm các nữ bác sỹ Lê Thị Quyên, Lê Thị Mai Trâm, Hoàng Thục Nguyên, Nguyễn Thị Thùy Trang của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành nghiên cứu "Sàng lọc rối loạn trầm cảm sau sinh và một số yếu tố liên quan ở phụ nữ sau sinh trong vòng 6 tháng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị năm 2023".
 
1
Các bác sỹ của nhóm nghiên cứu thảo luận về các yếu tố liên quan rối loạn trầm cảm sau sinh. Ảnh: NVCC

Từ ý tưởng của nữ bác sỹ vừa sinh con thứ 2...

Tiến hành nghiên cứu sàng lọc rối loạn TCSS trong vòng 6 tháng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong năm 2023, các bác sỹ Lê Thị Quyên, Lê Thị Mai Trâm, Hoàng Thục Nguyên, Nguyễn Thị Thùy Trang đã thu thập số liệu từ 796 phụ nữ sau sinh đồng ý tham gia nghiên cứu sống tại 6 phường, thị trấn ở khu vực thành thị và 24 xã ở khu vực nông thôn được chọn ngẫu nhiên.
 
2
Phụ nữ mang thai tham gia lễ phát động Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023. Ảnh: NVCC

Kết quả nghiên cứu với sự tham gia của 796 phụ nữ sau sinh này cho thấy: Độ tuổi trung bình của 796 phụ nữ này là 29,15 tuổi (84,3% trong số họ là dân tộc Kinh; 15,7% là người dân tộc Vân Kiều; 7,3% trong số họ có điều kiện kinh tế nghèo hoặc cận nghèo).

Đa số là có chồng và sống chung 95,5%. Trình độ học vấn từ Trung học phổ thông là 41,8% và từ Trung cấp trở lên là 33,3%. Số người làm nghề nông chiếm 38,1%, kinh doanh tự do chiếm 28,5%, công nhân chiếm 15,7% và 12,2% là cán bộ/công chức/viên chức. Với mục tiêu xác định tỷ lệ rối loạn trầm cảm ở phụ nữ sau sinh trong vòng 6 tháng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị năm 2023 bằng thang đánh giá Edinburgh (thang đo được sử dụng phổ biến nhất để đo mức độ trầm cảm ở phụ nữ mang thai và sau sinh) và tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến rối loạn TCSS, đề tài nghiên cứu "Sàng lọc rối loạn trầm cảm sau sinh và một số yếu tố liên quan ở phụ nữ sau sinh trong vòng 6 tháng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị năm 2023" đã có sự cộng tác của 30 trạm y tế trong việc cung cấp danh sách phụ nữ sau sinh trong vòng 6 tháng và 30 điều tra viên thực hiện phỏng vấn đối tượng nghiên cứu đảm bảo đầy đủ thông tin.
 
3
Bác sỹ Lê Thị Quyên (mang áo blouse)- Chủ nhiệm đề tài, tư vấn hỗ trợ bà mẹ sau sinh. Ảnh:NVCC

“Ở quy mô toàn thế giới, trầm cảm gặp tương đối phổ biến ở phụ nữ sau sinh. Trầm cảm là một rối loạn cảm xúc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tại Việt Nam, các nghiên cứu về TCSS được tiến hành chủ yếu tại một số bệnh viện phụ sản, ít nghiên cứu thực hiện ở cộng đồng. Thang sử dụng để đo mức độ trầm cảm là Edinburgh, xác định tỷ lệ TCSS dao động từ 11,6% đến 33% và chủ yếu sử dụng thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang. Trong 12 tháng của năm 2022, có tổng số 9.188 phụ nữ sinh con trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Nhóm chúng tôi chọn ngẫu nhiên 30 xã, phường, thị trấn vào nghiên cứu mô tả cắt ngang từ tháng 6/2023 đến tháng 10/2023 với các biến số và cách lượng hóa ghi nhận thông tin về rối loạn TCSS, thông tin nhân khẩu học, thông tin về sức khỏe sản khoa và sức khỏe trẻ em, thông tin về yếu tố tâm lý, thông tin về sự hỗ trợ của gia đình sau khi sinh, thông tin về yếu tố văn hóa - xã hội. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu nhập số liệu trên phần mềm Epidata 3.1 rồi kiểm tra, làm sạch và loại bỏ các giá trị không phù hợp, sau đó tiến hành phân tích và xử lý bằng các thuật toán thống kê y học trên phần mềm SPSS 16.0.

Chúng tôi so sánh kết quả các biến theo test thống kê cơ bản để mô tả số lượng và tỷ lệ đồng thời phân tích mối liên quan của TCSS với một số yếu tố bằng test kiểm định và hồi quy đa biến logistic. Để các trường hợp TCSS không bị bỏ sót qua sàng lọc, chúng tôi chọn điểm cắt 9/10 trong thang đo Edinburgh”, bác sỹ Lê Thị Quyên - Chủ nhiệm đề tài cho biết.
 
4
Bà mẹ sau sinh theo dõi cân nặng của con. Ảnh: NVCC

Nghiên cứu xuất phát từ ý tưởng của bác sỹ Lê Thị Quyên công tác tại khoa Sức khỏe sinh sản thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị (là người mẹ vừa sinh con thứ 2 và đang nuôi 2 con nhỏ nên hiểu rất sâu sắc những điều mà phụ nữ sau sinh phải trải qua). Kết quả nghiên cứu "Sàng lọc rối loạn trầm cảm sau sinh và một số yếu tố liên quan ở phụ nữ sau sinh trong vòng 6 tháng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị năm 2023" cho thấy: Tỷ lệ phụ nữ sau sinh trong vòng 6 tháng có biểu hiện rối loạn TCSS trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là 32% và tỷ lệ rối loạn TCSS ở nhóm nông thôn (33,5%) cao hơn nhóm thành thị (28,9%).

Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ sau sinh có ý tưởng tự sát là 25,9% trong tổng số 255 người có dấu hiệu rối loạn TCSS. Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Các yếu tố nghề nghiệp, trình độ học vấn, điều kiện kinh tế gia đình; tiền sử bản thân mắc bệnh trầm cảm, tình trạng sức khỏe của mẹ và sức khỏe của trẻ, tình trạng con khóc đêm nhiều; tâm lý lo lắng vì con không tăng đủ cân, việc chịu ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác, sự quan tâm chăm sóc của người chồng; sự hài lòng của bản thân và gia đình với giới tính của con… đều có liên quan đến rối loạn trầm cảm ở phụ nữ sau sinh trong vòng 6 tháng.

Một số mối liên quan đến rối loạn TCSS có ý nghĩa thống kê cũng được nhóm nghiên cứu kiểm định, như: Người mẹ có trình độ học vấn từ Trung học phổ thông trở lên có nguy cơ mắc TCSS gấp 2,355 lần so với người có trình độ học vấn dưới Trung học phổ thông. Mẹ có sức khỏe không tốt có nguy cơ bị TCSS gấp 4,885 lần so với mẹ có sức khỏe tốt. Mẹ có em bé thường xuyên khóc đêm gây ảnh hưởng đến giấc ngủ có nguy có mắc TCSS cao hơn 5,112 lần so với mẹ có em bé không khóc đêm. Người mẹ lo lắng về việc con không tăng đủ cân có nguy cơ bị TCSS gấp 5,919 lần so với bà mẹ không lo lắng về cân nặng của con. Người mẹ có tâm lý bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác có nguy cơ bị TCSS gấp 7,019 lần so với bà mẹ không bị ảnh hưởng. Người mẹ không hoặc hiếm khi được chồng quan tâm chăm sóc có nguy cơ bị TCSS gấp 4,622 lần so với bà mẹ thỉnh thoảng hoặc thường xuyên được chồng quan tâm chăm sóc. Người mẹ không hài lòng về giới tính của con có nguy cơ mắc TCSS gấp 29,388 lần so với mẹ hài lòng về giới tính của con. Người mẹ có chồng và gia đình không hài lòng với giới tính của con có thể gây nguy cơ mắc TCSS gấp 22,620 lần so với người mẹ có chồng và gia đình hài lòng với giới tính của con.

… đến thông điệp nhân văn

Bàn luận về tỷ lệ 32% trong tổng số 796 người tham gia nghiên cứu là đại diện phụ nữ sau sinh trong vòng 6 tháng tại tỉnh Quảng Trị có rối loạn TCSS, các nữ bác sỹ Lê Thị Quyên, Lê Thị Mai Trâm, Hoàng Thục Nguyên, Nguyễn Thị Thùy Trang đã có sự đối sánh với tỷ lệ phụ nữ TCSS đã được Bộ Y tế công bố dựa trên kết quả một số nghiên cứu sàng lọc có thể lên tới 33%. Mặc dù là nghiên cứu mô tả cắt ngang, đối tượng chỉ một lần tự đánh giá cảm xúc của mình trong 7 ngày vừa qua nhưng đây là nghiên cứu mang tính chất sàng lọc cộng đồng, chọn điểm cắt 9/10 để hạn chế bỏ sót trường hợp mà tỷ lệ xác định vẫn trong tỷ lệ được Bộ Y tế đưa ra (33%). Hơn nữa, nghiên cứu này được thực hiện ngay khi dịch Covid-19 vừa kết thúc, mỗi gia đình đều ít nhiều chịu tác động bởi Covid-19 nên có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của phụ nữ sau sinh.

Đề tài nghiên cứu "Sàng lọc rối loạn trầm cảm sau sinh và một số yếu tố liên quan ở phụ nữ sau sinh trong vòng 6 tháng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị năm 2023" được thực hiện với sự đồng ý của đối tượng nghiên cứu, điều tra viên để khuyết họ và tên của đối tượng nghiên cứu nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của họ và mọi thông tin thu thập được hoàn toàn được bảo mật, chỉ phục vụ nghiên cứu chứ không vì mục đích nào khác. Chính đạo đức nghiên cứu đó là nền tảng giúp các nữ bác sỹ luôn phối hợp với 30 điều tra viên cung cấp thông tin liên lạc, địa điểm hỗ trợ thăm khám và tư vấn về rối loạn TCSS với những đối tượng nghiên cứu có kết luận có rối loạn TCSS.

Đặc biệt, nghiên cứu này đã đưa ra những khuyến nghị quan trọng như: Trong nghiên cứu, có tới 25,9% trong những người bị TCSS có ý nghĩ tự sát. Đây là một vấn đề đáng được cảnh báo. Hiện nay rất nhiều trường hợp mắc TCSS chưa được quan tâm phát hiện và can thiệp kịp thời trong khi họ có thể nghĩ rằng việc sinh con là hoàn toàn sai lầm, đứa trẻ là nguyên nhân của mọi đau khổ của họ nên dẫn đến hành vi làm hại con. Vì vậy rất cần sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và xã hội để giúp đỡ những phụ nữ sau sinh phòng tránh, phát hiện sớm TCSS và ý tưởng tự sát do TCSS. Một điểm mới của nghiên cứu do nhóm của bác sỹ Lê Thị Quyên tiến hành là việc xác định người mẹ có tâm lý bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác có nguy cơ bị TCSS gấp 7,019 lần so với người mẹ không bị ảnh hưởng và tuy mối liên quan này có ý nghĩa thống kê nhưng chưa thấy các nghiên cứu trước đây đề cập đến.

Hoàn thành nghiên cứu "Sàng lọc rối loạn trầm cảm sau sinh và một số yếu tố liên quan ở phụ nữ sau sinh trong vòng 6 tháng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị năm 2023", bác sỹ Lê Thị Quyên cùng các cộng sự đã xác định tỷ lệ rối loạn trầm cảm ở phụ nữ sau sinh trong vòng 6 tháng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị năm 2023 bằng thang đánh giá Edinburgh là 32% và chỉ ra một số yếu tố liên quan đến rối loạn TCSS đồng thời nhấn mạnh khuyến nghị “quan tâm một cách đúng mức việc chăm sóc và nâng cao sức khỏe bà mẹ sau sinh” để phòng, tránh TCSS. Qua nghiệm thu, Hội đồng Khoa học kỹ thuật ngành Y tế tỉnh Quảng Trị đã công nhận nghiên cứu "Sàng lọc rối loạn trầm cảm sau sinh và một số yếu tố liên quan ở phụ nữ sau sinh trong vòng 6 tháng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị năm 2023" là 1 trong 10 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Sở năm 2023 và quyết định giao chủ nhiệm đề tài và các cộng sự trách nhiệm triển khai ứng dụng kết quả đạt được trong nghiên cứu để góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn.

Khái niệm sức khỏe tâm thần được Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra vào năm 2013 “…là trạng thái khỏe mạnh của mỗi cá nhân để họ nhận biết được các khả năng của bản thân, có thể đương đầu với những căng thẳng thông thường trong cuộc sống, có thể học tập và làm việc một cách hiệu quả và có thể tham gia góp phần vào các hoạt động của cộng đồng”. Trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp với đặc trưng là sự buồn chán, mất hứng thú hoặc niềm vui, ngủ không yên giấc hoặc chán ăn, cảm giác mệt mỏi và kém tập trung. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, đến năm 2030, trầm cảm sẽ là nguyên nhân thứ nhất về gánh nặng bệnh tật cho y tế toàn cầu. Tỷ lệ trầm cảm ở nữ giới cao gấp gần 2 lần so với nam giới. Phụ nữ mang thai và sinh con có nguy cơ mắc trầm cảm cao. Trên thế giới, trầm cảm ở phụ nữ mang thai và sau sinh khá phổ biến, tỷ lệ trầm cảm trong khi mang thai là 12,0% và sau sinh là 13,0%. Người mẹ bị trầm cảm thường có những cảm xúc tiêu cực như buồn phiền, lo âu, căng thẳng, dễ cáu gắt. Nghiêm trọng hơn, họ có thể xuất hiện ý định tự tử, tự hủy hoại bản thân và con của mình. Một trong các nguyên nhân chính làm hậu quả của trầm cảm trở nên trầm trọng là phụ nữ thường thiếu kiến thức để nhận biết triệu chứng của bệnh trầm cảm và không tìm sự giúp đỡ khi có dấu hiệu trầm cảm.
 
nhan xet 120240126152628


 

Tác giả bài viết: Bội Nhiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết Website
Thống kê
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay861
  • Tháng hiện tại82,328
  • Tổng lượt truy cập2,956,070
Dịch vụ Tiêm chủng
Khử trùng, diệt côn trùng
Quan trắc môi trường lao động
Khám, Chữa bệnh Đa Khoa
Dịch vụ xét nghiệm
Kiểm dịch Y tế quốc tế
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây