Phòng tránh đột quỵ trong mùa nắng nóng

Thứ ba - 18/05/2021 22:42
Tai biến mạch máu não hay còn gọi đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ hai và là nguyên nhân gây tàn tật đứng hàng thứ ba. Đột quỵ là sự chết đột ngột của một số tế bào não do thiếu oxy khi dòng máu đến não bị mất do tắc nghẽn hoặc vỡ của động mạch đến não, và cũng là nguyên nhân hàng đầu của chứng sa sút trí tuệ và trầm cảm.

Trên toàn cầu, 70% số ca đột quỵ và 87% số ca tử vong liên quan đến đột quỵ và số năm sống được điều chỉnh theo khuyết tật xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trong bốn thập kỷ qua, tỷ lệ đột quỵ ở các nước có thu nhập thấp và trung bình đã tăng hơn gấp đôi nhưng lại giảm 42% ở các nước thu nhập cao.

Tại Việt Nam, theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Mỗi năm ở Việt Nam có hơn 200.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong và chỉ có 10% sống sót là hồi phục hoàn toàn. Đáng lo ngại, đột quỵ đang có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa, gia tăng mạnh từ 40-45 tuổi hay thậm chí xuất hiện cả ở tuổi 20.


Tại Quảng Trị, trong thời điểm hiện nay, diễn biến thời tiết không thuận lợi, đang vào đợt cao điểm nắng nóng của mùa hè. Thời tiết nắng nóng với nền nhiệt cao dao động từ 36- 39 độ C, có nơi trên 40 độ C, rất dễ bị đột quỵ, đặc biệt rất nguy hiểm với người cao tuổi, nhất là những người mắc các căn bệnh mãn tính.

Bác sĩ Trịnh Minh Hưng, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: “Khi trời nắng nóng cơ thể bị mất một lượng nước khá lớn khiến cho nồng độ máu trong cơ thể giảm, độ kết dính trong máu tăng cao làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ và đột quỵ tái phát. Do đó, điều quan trọng là cần sớm nhận ra những dấu hiệu của đột quỵ để chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế trước 6 giờ khi có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân. Các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể, ví dụ yếu liệt tay và chân bên trái. Đột ngột không nói được, giọng nói bị thay đổi như nói ngọng, khó nghe hoặc bệnh nhân nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói. Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt. Đột ngột nhức đầu dữ dội. Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn (đặc biệt đi kèm với chóng mặt)…”.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, trong những ngày xuất hiện nắng nóng gay gắt trên địa bàn, số ca đột quỵ não nhập viện có chiều hướng gia tăng so với bình thường, đặc biệt nguy hiểm với những người già từ 65 tuổi trở lên, người bị mắc bệnh mạn tính như tim, phổi, thận, tăng huyết áp, tiểu đường, những người uống quá nhiều rượu và người không uống đủ nước… là những đối tượng dễ bị đột quỵ do nắng nóng, để lại nhiều di chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
 
dfdf (2)
Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh

Bác sĩ Trịnh Minh Hưng cho biết thêm: khi nhiệt độ ngoài trời cao, người cao tuổi nên hạn chế ra ngoài trời vào những lúc nắng gắt. Trong trường hợp phải ra ngoài thì nên tránh trong thời gian từ 10h-15h, đội mũ rộng vành, mặc áo quần sáng màu tránh hấp thu ánh sáng. Với người có bệnh tim mạch, dùng máy điều hòa nên nhớ chỉ khống chế nhiệt độ ở khoảng 27 độ C và chênh lệch trong và ngoài phòng tốt nhất không nên được vượt quá 7 độ C. Cần phải chú ý thường xuyên bổ sung nước, để đề phòng máu tăng đặc dẫn tới hình thành huyết khối (cục máu đông), tập thói quen khi không khát cũng phải uống đủ nước. Có thể uống nước ép trái cây, rau quả mỗi ngày. Sáng sớm sau khi ngủ dậy hãy uống một cốc nước, mỗi ngày, nên bổ sung từ 1,5- 2lít nước cho cơ thể. Nếu phải tập luyện nên uống 1 cốc nước trước khi tập và cứ sau 20 phút vận đông mạnh nên bổ sung nước 1 lần. Bên cạnh đó, người dân cần tập trung vào phòng các yếu tố chính có thể thay đổi được như hút thuốc, ít hoạt động thể lực, chế độ ăn uống không lành mạnh và béo bụng; phòng, chống rối loạn chuyển hóa: tăng mỡ máu; phòng chống các bệnh như tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường… Sự kết hợp của các chiến lược phòng ngừa như vậy đã được chứng minh có hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ tử vong do đột quỵ.

Đột quỵ gây ra các tác động to lớn đến sức khỏe của người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, điều quan trọng, trong phòng, chống đột quỵ, một chiến lược quan trọng là nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh để cộng đồng chủ động biết cách phòng tránh các yếu tố nguy cơ; biết các dấu hiệu sớm của bệnh để được khám, chữa bệnh kịp thời.

Tác giả bài viết: Lê Thạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết Website
Thống kê
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay4,758
  • Tháng hiện tại118,158
  • Tổng lượt truy cập2,865,506
Dịch vụ Tiêm chủng
Khử trùng, diệt côn trùng
Quan trắc môi trường lao động
Khám, Chữa bệnh Đa Khoa
Dịch vụ xét nghiệm
Kiểm dịch Y tế quốc tế
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây