Cần chủ động và đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống bệnh dại

Thứ năm - 04/03/2021 04:09
Bức tranh bệnh dại

Nhờ những tiến bộ trong y học, đến nay đã có vaccine phòng bệnh dại hiệu quả,  nhưng theo Tổ chức Y tế thế giới ước tính hàng năm có khoảng 59.000 người sống tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là những quần thể dân cư nghèo khó, dễ bị tổn thương bị tử vong do bệnh dại.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm đến tháng 8/2020, cả nước ghi nhận 48 trường hợp tử vong do bệnh dại, xảy ra tại 22/64 tỉnh, thành phố. Hầu hết các ca tử vong là do chó dại cắn. Con số này cao hơn so với cùng kỳ là 4 ca, và điều đáng quan tâm là có các trường hợp mắc bệnh dại xảy ra ở các tỉnh, thành trước đây chưa hề có.

Ở Quảng Trị, trong những năm qua, nhờ có sự đầu tư và vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể và sự quan tâm, hưởng ứng của người dân trên địa bàn toàn tỉnh, cùng với nỗ lực của ngành y tế nên công tác phòng chống bệnh dại bước đầu có sự chuyển biến tích cực và đạt được một số thành tựu quan trọng, và trong gần 10 năm (từ 2010 đến 2020), trên địa bàn ghi nhận 3 ca tử vong vào các năm 2013, 2014, và 2016, bởi lý do hết sức đơn giản là các ca tử vong đều không được tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại sau khi bị chó cắn, đàn chó trên địa bàn không tiêm vaccine phòng bệnh.
dai
     Tiêm phòng dại đầy đủ cho chó, mèo nuôi là cách phòng hiệu quả


Khó khăn và giải pháp

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có ca tử vong do bệnh dại, tuy nhiên đã có nhiều trường hợp bị chó, mèo cào cắn đến các cơ sở y tế để được xử trí vết thương và tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Trong năm 2020, số người bị chó, mèo cắn đã tiêm vaccine phòng dại trên địa bàn tỉnh là 833 ca (tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2019), và số người được tiêm kháng huyết thanh dại là 43 (giảm 15% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh xảy ra đã kéo giãn các hoạt động y tế, cùng cơ chế mua đấu thầu vaccine khiến công tác phòng chống bệnh dại và công tác tổ chức thực hiện tiêm chủng vaccine phòng bệnh dại bị gián đoạn; hiện chỉ có 5/9 huyện, thị xã, thành phố có điểm tiêm phòng bệnh dại.

Nhiều địa phương không thống kê đầy đủ số vật nuôi như chó, mèo nên tỷ lệ tiêm chủng thường không đạt tỷ lệ bao phủ cao; một số hộ nuôi chó còn có tình trạng thả rông, không có rọ, mõm khi chạy ra đường làm cho công tác phòng chống bệnh dại gặp khó khăn.

Để thực hiện quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021”, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ y tế, thú y và sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể, sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Ngành y tế cần bố trí ít nhất mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 điểm tiêm dại có đủ cơ sở vật chất và cán bộ được đào tạo theo đúng quy định về một điểm tiêm chủng. Triển khai công tác truyền thông giáo dục cho cộng đồng; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền về sự nguy hiểm, hậu quả của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng chống bệnh dại trên người và động vật. Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể vận động người dân đi tiêm phòng kịp thời khi bị nghi chó dại cắn và tiêm phòng dại cho đàn vật nuôi theo quy định.

Cần phổ biến các biện pháp phòng chống, địa điểm tiêm ngừa thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân chủ động phòng chống; biết cách tự bảo vệ, nâng cao thể trạng, hạn chế tiếp xúc với chó mèo. Rà soát các điểm tiêm chủng, thực hiện chặt chẽ các nội dung bảo quản vaccine; khám sàng lọc, xử lý vết thương; giám sát theo dõi bệnh nhân theo sổ, phiếu theo mẫu của ngành y tế. Tổ chức điều tra tất cả các ca tử vong liên quan đến bệnh dại.

Phối hợp tốt với ngành thú y giám sát, quản lý và xử lý các ổ dịch trên động vật. Người dân hạn chế nuôi chó, mèo, nếu nuôi phải tiêm phòng bệnh dại định kỳ theo hướng dẫn của Thú y, phải nuôi nhốt không được thả rông, không cho trẻ đùa nghịch với chó, mèo đặc biệt là khi chúng đang ăn.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Khi người bệnh lên cơn dại thì đều dẫn tới tử vong. Hiện tại không có cách điều trị hiệu quả cho bệnh dại sau khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị phơi nhiễm.

Thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa (xuân-hè), đây là thời điểm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh dại có khả năng bùng phát và lây lan, gây nguy hiểm đến sức khỏe cho người dân. Vì vậy, bên cạnh việc triển khai các hoạt động phòng chống bệnh dại của ngành chuyên môn, người dân cần nâng cao nhận thức và phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này bệnh dại theo khuyến cáo của ngành y tế.
                                                           
                                                             
ThsBs Lê Thạnh - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Liên kết Website
Thống kê
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay5,522
  • Tháng hiện tại118,922
  • Tổng lượt truy cập2,866,270
Dịch vụ Tiêm chủng
Khử trùng, diệt côn trùng
Quan trắc môi trường lao động
Khám, Chữa bệnh Đa Khoa
Dịch vụ xét nghiệm
Kiểm dịch Y tế quốc tế
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây