Tử vong do bệnh dại tăng, nhiều người vẫn chủ quan

Thứ năm - 29/09/2022 21:39
Theo thống kê, từ đầu năm 2022 tới nay, có 40 người tử vong do bệnh dại (tăng 2 ca so với cùng kỳ năm 2021), tất cả đều bị chó, mèo cắn nhưng không tiêm vaccine phòng bệnh. Bên cạnh đó, nhiều phòng tiêm chủng hết vaccine dại, khiến người dân lo lắng.
 
Với chủ đề "Bệnh dại: Một sức khỏe, không tử vong", Ngày Thế giới Phòng chống bệnh dại năm nay (28/9), các chuyên gia khuyến cáo, bệnh dại hoàn phòng tránh được bằng vaccine, vì vậy cần tiêm phòng ngay sau khi bị chó, mèo cắn.

Chạy nhiều nơi mới tiêm được vaccine

Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian vừa qua, nhiều phòng tiêm chủng ở Hà Nội hết vaccine dại, khiến cho người dân bị chó, mèo cắn hết sức lo lắng. Chị Nguyễn Hà Phương (quận Tây Hồ) cho biết: Con trai tôi bị mèo cắn vào đầu ngón tay, đến phòng tiêm chủng của CDC Hà Nội không có vaccine dại và nơi đây cũng đóng cửa nhiều tháng nay vì không có vaccine. Tôi cho con tới phòng tiêm ở 50C Hàng Bài cũng không có. Chạy đến Trung tâm tiêm chủng của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thì may mắn còn vaccine và huyết thanh. Nhưng tiêm đến mũi thứ 3 thì hết vaccine, tôi lại phải tìm mấy nơi nữa mới có chỗ còn để tiêm mũi 4 cho con".

Tiêm vaccine phòng dại là biện pháp duy nhất để tránh tử vong sau khi bị chó, mèo dại cắn.
Tiêm vaccine phòng dại là biện pháp duy nhất để tránh tử vong sau khi bị chó, mèo dại cắn.

Theo một số phòng tiêm chủng thì do vaccine dại ít sử dụng hơn các vaccine khác nên không có nhiều đơn vị nhập khẩu. Chỉ một số ít phòng tiêm chủng của tư nhân có vaccine này, còn phòng tiêm của bệnh viện và cơ sở y tế công lập gần như không có.

Mùa hè là cao điểm của bệnh dại, song việc khan hiếm vaccine khiến người bị chó, mèo cắn rất lo lắng khi phải "chạy" từ điểm tiêm này tới điểm tiêm khác tìm kiếm vaccine, trong khi vaccine dại phải càng tiêm sớm càng tốt.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm nước ta ghi nhận 75 trường hợp tử vong do bệnh dại. Cùng với đó, trung bình hằng năm có khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại và huyết thanh, chi phí ước tính hơn 300 tỷ đồng/năm.

BS Nguyễn Tuấn Hải, chuyên gia tiêm chủng của hệ thống Safpo/Potec cho biết: "Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dại. Đây là bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Tiêm phòng dại ngay sau khi bị chó cắn là biện pháp duy nhất để tránh khỏi tử vong".

Chủ quan dẫn đến tử vong

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm bệnh dại gây ra cái chết cho 60.000-70.000 người và hàng triệu động vật. Tại Việt Nam, mặc dù hàng năm có nhiều ca tử vong vì bệnh dại, song nhiều người còn rất chủ quan không tiêm phòng, hoặc tiêm không đầy đủ, đúng lịch sau khi bị chó, mèo cắn. Vụ việc thương tâm của thiếu nữ 16 tuổi ở Đắk Lắk tử vong sau khi bị mèo cắn 1 tháng là một bài học đau xót. Bị mèo cắn vào tay nhưng do chủ quan, gia đình không đưa con đi tiêm phòng dại. Gần 20 ngày sau, thiếu nữ xuất hiện triệu chứng sốt, mệt mỏi, sợ nước, sợ gió và được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị và được chẩn đoán bệnh dại lên cơn. Bệnh nhân sau đó được chuyển vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh nhưng cũng không qua khỏi.

Hay vừa qua, tại Quảng Bình xảy ra 3 vụ tử vong vì bệnh dại. Có người bị chó cắn cách ngày phát bệnh dại 3 tháng, nhưng có người chỉ hơn 1 tháng. Điều đáng nói có nạn nhân bị chó nhà cắn, trước đó chó đã ốm và chết sau khi cắn người 3 ngày, nhưng nạn nhân vẫn không tiêm vaccine phòng dại.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 40 ca tử vong do bệnh dại tại 16 tỉnh, thành phố (tăng 2 ca so với cùng kỳ năm ngoái), tăng nhiều nhất là các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang, Gia Lai. Số người tử vong do bệnh dại có chiều hướng giảm ở các tỉnh có nguy cơ cao, nhưng lại có xu hướng gia tăng ở các tỉnh có nguy cơ thấp và xuất hiện ở một số tỉnh mới. Riêng Cà Mau, từ tháng 6 đến nay, địa phương có ít nhất 13 người bị chó cắn, nghi là chó dại. Tỉnh Cà Mau đã liên tiếp ban hành 2 văn bản khẩn chỉ đạo công tác phòng ngừa. Tại Hà Nội, từ đầu năm tới nay ghi nhận 1 ca tử vong do bệnh dại ở Phú Xuyên. Theo ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, năm 2020-2021 Thủ đô ghi nhận 2 ca tử vong do bệnh dại tại 2 quận Cầu Giấy và Hoàng Mai. Các trường hợp này đều do chủ quan không tiêm phòng vaccine sau khi bị chó căn.

Sở dĩ bệnh dại vẫn gia tăng và số ca tử vong vẫn tăng cao, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là do cả nước có gần 7 triệu con chó, nhưng 6 tháng đầu năm nay, chỉ có 40% được tiêm phòng. Có 13 tỉnh, TP (20%) đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng số đàn chó. Chó mắc bệnh dại chủ yếu không xác định được chủ, chưa tiêm phòng vaccine dại; công tác quản lý đàn chó của một số địa phương còn lỏng lẻo. Nguyên nhân nữa là người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt chó, tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm cho chó còn nhiều… dẫn đến cắn người, có trường hợp tử vong.

Theo BS Hải, người đã lên cơn dại 100% là tử vong, nhưng nhiều người còn chủ quan, chưa hiểu rõ bệnh dại, không tiêm vaccine mà đi đắp lá, điều trị bằng thuốc nam. Vì vậy, ngành y tế, chính quyền địa phương phải nâng cao tuyên truyền để người dân hiểu, khi bị chó, mèo dại cắn, biện pháp duy nhất để cứu tính mạng là tiêm vaccine dại và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt và phải tiêm đủ 5 mũi, đúng lịch.

                                                                                                                              Nguồn: cand.com.vn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết Website
Thống kê
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay2,764
  • Tháng hiện tại82,157
  • Tổng lượt truy cập2,829,505
Dịch vụ Tiêm chủng
Khử trùng, diệt côn trùng
Quan trắc môi trường lao động
Khám, Chữa bệnh Đa Khoa
Dịch vụ xét nghiệm
Kiểm dịch Y tế quốc tế
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây