Tăng cường các giải pháp phòng chống bệnh dại trên động vật

Chủ nhật - 14/04/2024 20:42
Theo thông báo của Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, bệnh dại trên động vật có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 8/4, cả nước phát hiện 106 ca bệnh dại trên động vật tại 27 tỉnh. Trước thực tế này, cơ quan chuyên môn và các địa phương trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp để nhanh chóng kiểm soát và phòng ngừa các ổ dịch bệnh dại phát sinh, lây lan.
 
114d4201158t1392l6 le an 1161
Tiêm phòng vắc xin dại là biện pháp chủ yếu để phòng chống bệnh dại trên động vật - Ảnh: L.A

Khẩn trương khống chế ổ dịch

Theo thông tin từ Trạm Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) huyện Vĩnh Linh, ngày 3/4, đơn vị nhận tin báo có một trường hợp chó cắn người và có các biểu hiện nghi bệnh dại tại xã Vĩnh Tú. Qua kiểm tra, ổ dịch xảy ra tại hộ ông Lê Đức Thông, thôn Phường Duyệt, xã Vĩnh Tú.

Đàn chó nuôi tại hộ gồm 2 con, trong đó có 1 con bị bệnh. Ngày 30/3, chó tấn công và cắn một người. Chó thả rông, chưa được tiêm phòng vắc xin dại. Sau khi cắn người, đến ngày 3/4 chó mới có các triệu chứng bệnh như bỏ ăn, thần kinh co giật. Trạm CN&TY đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm và tiêu hủy chó theo quy định. Ngày 5/4, Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương có kết quả trả lời xét nghiệm số 1762/ CĐ-XN kết luận mẫu bệnh phẩm lấy ở hộ ông Lê Đức Thông có kết quả dương tính với vi rút dại.

Trạm trưởng Trạm CN&TY huyện Vĩnh Linh Phạm Đăng Tuấn cho biết, hiện tại người bị chó cắn nói trên đã thực hiện tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại. Đồng thời, ngay khi có kết quả xét nghiệm, đơn vị đã phối hợp với UBND xã Vĩnh Tú khẩn trương thống kê, rà soát lại tổng đàn chó và gấp rút triển khai tiêm phòng bao vây triệt để vắc xin dại cho đàn chó, mèo theo hướng từ vòng ngoài vào trong.

Thông tin đến mọi người dân được biết để phòng chống dịch bệnh dại. Xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp không chấp hành tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo nuôi. Yêu cầu người chăn nuôi không thả chó chạy rông, nếu có trường hợp chó cắn người phải báo cáo kịp thời để có phương án xử lý.

Đối với các xã, thị trấn còn lại, đề nghị khẩn trương tổ chức tiêm phòng triệt để vắc xin dại cho chó, mèo nuôi, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa; chỉ đạo mạng lưới y tế thôn, bản tiếp xúc và tư vấn với những người đã bị chó cắn đến ngay cơ sở y tế để xử lý vết thương và tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho người. Tuyên truyền người dân giám sát, phát hiện và báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan thú y các trường hợp chó, mèo, động vật khác nghi mắc bệnh dại. Đồng thời yêu cầu chủ vật nuôi phải quản lý chó, không thả rông; khi đưa chó ra nơi công cộng phải có dây xích, đeo rọ mõm và có người dắt.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, để hạn chế thấp nhất các trường hợp bị chó dại cắn, ảnh hưởng đến tính mạng, huyện đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn chỉ đạo nhân viên thú y phối hợp với chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể từ xã, thị trấn đến cơ sở khẩn trương rà soát và tổ chức tiêm phòng tất cả đàn chó, mèo nuôi.

Hướng dẫn người dân quản lý chặt chẽ chó, mèo nuôi và chấp hành tốt công tác tiêm phòng; giám sát chặt chẽ chó, mèo nuôi trước, trong và sau thời gian tiêm phòng. Yêu cầu hộ nuôi chó cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó; xích, rọ mõm và có người dắt khi đưa chó ra khỏi nơi nhốt để đề phòng chó cắn người.

Căn cứ tình hình thực tế của địa phương để thành lập đội bắt chó thả rông, không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh dại. Khi phát hiện chó có biểu hiện bỏ ăn, sốt cao, hung dữ, nghi mắc bệnh phải nhốt cách ly để theo dõi, đồng thời báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn.

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao

Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY Đào Văn An cho biết, nguyên nhân bệnh dại có diễn biến phức tạp là do công tác quản lý chó mèo chưa được chính quyền cơ sở quan tâm đúng mức, chủ yếu được thực hiện do cán bộ thú y đi thống kê trong quá trình tiêm phòng tận hộ, còn người chăn nuôi chưa chủ động kê khai với chính quyền địa phương về việc nuôi chó, cố tình che giấu, không khai báo chính xác số chó nuôi của gia đình.

Công tác tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó chưa đạt hiệu quả, tỉ lệ tiêm phòng đạt thấp so với tổng đàn thực tế. Hiện tượng nuôi chó thả rông vẫn là chủ yếu dẫn đến công tác tiêm phòng gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra một số hộ gia đình vẫn còn chủ quan lơ là, chưa chấp hành nghiêm việc tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó nuôi. Không có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông. Đặc biệt, nhận thức của người dân về bệnh dại chưa cao, một số người dân, người bị chó cắn chưa hiểu rõ tác hại của bệnh dại hoặc chủ quan.

Do vậy, không tiêm phòng vắc xin dại cho chó hoặc khi bị chó cắn không đến cơ sở y tế để điều trị dự phòng; tâm lý của một số người bị chó cắn đi điều trị dự phòng vẫn còn e ngại, cho rằng việc tiêm phòng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tâm lý e ngại trong việc cung cấp thông tin chó, mèo cắn người do sợ bị xử phạt...

“Đáng lưu ý, theo báo cáo của Bộ Y tế, trong số các trường hợp tử vong do bệnh dại có đến 58% là trẻ em dưới 15 tuổi. Nguyên nhân do đây là nhóm đối tượng chạy nhảy nhiều, tiếp xúc nhiều với chó, mèo; khi bị chó, mèo cắn thì lo sợ không báo với gia đình để có biện pháp xử lý”, ông An thông tin thêm.

Chủ động triển khai các giải pháp

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc cho biết, để nhanh chóng kiểm soát và phòng ngừa các ổ dịch bệnh dại phát sinh và lây lan, sở đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan liên quan tổ chức rà soát tổng đàn chó, mèo hiện có trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 15/4.

Đồng thời, khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo đạt tỉ lệ trên 80% tổng đàn thực tế thuộc diện tiêm phòng của địa phương; kết thúc tiêm phòng vắc xin dại trước ngày 30/4. Sau đó rà soát và tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin dại cho toàn bộ chó, mèo trong thuộc diện chưa được tiêm; tổ chức bắt giữ và xử lý đối với chó thả rông tại các địa phương đạt kết quả thấp, không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; chó khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người, đặc biệt đối với các giống chó hung dữ cần được nuôi xích nhốt, có rọ mõm.

Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương để quyết định thành lập đội bắt chó thả rông, không đeo rọ mõm khi ra ngoài đường, nghi mắc bệnh dại. Xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp không chấp hành quy định quản lý chó mèo và không chấp hành tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo nuôi.

“Bệnh dại lây truyền từ động vật sang người. Đến nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, người bị chó, mèo mắc bệnh dại cắn nếu không đi tiêm phòng vắc xin sớm và đầy đủ các mũi tiêm theo hướng dẫn của cơ quan y tế thì nguy cơ tử vong rất cao”, ông Quốc nhấn mạnh.

                                                                                                                    Nguồn: baoquangtri.vn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Dịch vụ Tiêm chủng
Khử trùng, diệt côn trùng
Quan trắc môi trường lao động
Khám, Chữa bệnh Đa Khoa
Dịch vụ xét nghiệm
Kiểm dịch Y tế quốc tế
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây