Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Nhờ nguồn máu an toàn, chất lượng, ngành y tế đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới

Chủ nhật - 21/01/2024 21:06
Sau 30 năm phát động phong trào hiến máu tình nguyện, đến nay cả nước đã có trên 21,3 triệu lượt người tham gia hiến máu, hàng vạn cá nhân hiến máu tình nguyện tiêu biểu trên 50 lần, thậm chí trên 100 lần...
 
Đã có hàng nghìn gia đình mà hầu hết các thành viên cùng hiến máu và tham gia vận động hiến máu tình nguyện; nhiều cơ quan, trường học, doanh nghiệp và địa phương thường xuyên tổ chức ngày hiến máu.

Nhờ có nguồn máu an toàn và chất lượng, công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh được kịp thời, giúp ngành y tế có thể triển khai, áp dụng nhiều kỹ thuật mới hiện đại như ghép tạng, ghép tế bào gốc... Như vậy, bên cạnh đội ngũ cán bộ y tế giỏi về y đức, tinh thông nghiệp vụ, trang thiết bị hiện đại, việc có đủ nguồn máu an toàn, chất lượng là nhiệm vụ quan trọng, nặng nề.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện đã nhấn mạnh điều này tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày phát động phong trào hiến máu nhân đạo tại Việt Nam diễn ra hôm nay, 20/1 tại Viện Huyết học - Truyền máu TW.

Cuộc "cách mạng" thay đổi nhận thức của hàng chục triệu người dân về hiến máu tình nguyện
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, trong 30 năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, phong trào hiến máu tình nguyện ở nước ta đã lớn mạnh không ngừng, đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Giai đoạn trước năm 1994, tại Hà Nội và một số địa phương trong cả nước cũng đã có những hoạt động nói chuyện, tư vấn và vận động công nhân lao động, y bác sĩ và sinh viên tham gia hiến máu, tuy nhiên hoạt động còn nhỏ lẻ, không lan rộng và không thường xuyên do chưa có sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và người dân. Ở giai đoạn này, mỗi năm Việt Nam chúng ta chỉ tiếp nhận khoảng 100.000 đơn vị máu, trong đó tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt chưa đến 10%.
 
Screenshot (49) ok
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TW Nguyễn Hà Thanh tặng quà, trò chuyện và động viên bệnh nhi đang điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu TW.

Nói về những ngày đầu khó khăn ấy, GS. TSKH Đỗ Trung Phấn, Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW nhớ lại: "Thời những năm 1993 – 1994, mọi thứ còn rất khó khăn, thiếu máu nghiêm trọng, bệnh nhân thì nhiều, HIV nổi lên. Ngày đầu tiên phát động chỉ được 30 đơn vị, nhưng rất quý vì có thể giúp được cho Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức thực hiện phẫu thuật…".

Thế nhưng đến nay, phong trào hiến máu tại Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Nhiều chiến dịch, sự kiện, chương trình hiến máu tình nguyện lớn đã được triển khai thành công, thu hút sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân như: "Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết" và Lễ hội Xuân hồng, Chủ nhật Đỏ; Hưởng ứng "Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện" - 07/4; "Chiến dịch những giọt máu hồng - hè" và Hành trình Đỏ, "Ngày Quốc tế người hiến máu" - 14/6… Năm 2023 tiếp nhận hơn 1,5 triệu đơn vị máu, tỷ lệ người hiến máu tình nguyện đã đạt 99%.

Riêng với Viện Huyết học - Truyền máu TW, năm 2023 lượng máu do Viện tiếp nhận đạt gần 500.000 đơn vị, chiếm 32% tổng lượng máu tiếp nhận toàn quốc. Trung tâm Máu Quốc gia thuộc Viện đã thực hiện tốt công tác cung cấp máu và chế phẩm máu cho 181 bệnh viện, cơ sở y tế của các tỉnh, thành khu vực phía Bắc thuộc diện bao phủ. Ngoài ra còn điều phối, hỗ trợ hàng chục nghìn đơn vị máu cho các địa phương khác như TPHCM khi đại dịch COVID-19 bùng phát hay tại khu vực Tây Nam Bộ và Tây Nguyên (trong năm 2023) khi các địa phương này gặp khó khăn về thiếu vật tư, sinh phẩm y tế.

PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW cho rằng 30 năm qua thực sự là cuộc “cách mạng” thay đổi nhận thức của hàng chục triệu người dân về hiến máu tình nguyện. Hoạt động hiến máu tình nguyện đã trở thành một phong trào có sức ảnh hưởng rộng lớn, thu hút và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.

Đẩy mạnh vận động người hiến máu nhắc lại, hiến máu thường xuyên
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, có được những kết quả to lớn trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; của Ban Chỉ đạo Quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, các ban, bộ, ngành Trung ương; sự chung tay của toàn hệ thống chính trị, xã hội, của các cơ quan, đơn vị; đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong cả nước đối với hoạt động hiến máu tình nguyện.

"Tôi đặc biệt ấn tượng, ngay trong những thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch COVID-19 diễn ra, nhiều địa phương bị phong tỏa nhưng vẫn có hàng chục ngàn người vượt mọi khó khăn để tham gia hiến máu; nhiều trường hợp hiến máu cấp cứu khẩn cấp ngay trong đêm, hiến máu tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo… Điều này càng khẳng định ý nghĩa nhân văn cao đẹp của phong trào hiến máu tình nguyện, góp phần tô thắm truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”… đáng tự hào của dân tộc Việt Nam ta"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, Bộ trưởng Đào Hồng Lan ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao các hoạt động của Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp, của các cơ quan, đơn vị… đối với phong trào hiến máu ở nước ta.

Đặc biệt, Bộ trưởng biểu dương, ghi nhận sự tiên phong, sáng tạo và tâm huyết của tập thể các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên của Viện Huyết học - Truyền máu TW đã phối hợp với các đơn vị gây dựng, duy trì và phát triển phong trào hiến máu, góp phần quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Để tiếp tục duy trì và phát triển bền vững phong trào hiến máu, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị cần tăng cường hơn nữa sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; Phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, các nhà lãnh đạo, nhà quản lý đối với công tác vận động và tổ chức hiến máu.

Tập trung đề xuất xây dựng các giải pháp và triển khai để duy trì và phát triển nguồn người hiến máu tình nguyện ngày càng ổn định, thực chất và bền vững hơn, đảm bảo nguồn máu an toàn, chất lượng điều trị cho người bệnh từ tuyến trung ương đến các địa phương, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…

Cùng đó, tiếp tục nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động và tổ chức hiến máu. Đa dạng các loại hình truyền thông, vận động hiến máu; quan tâm, chú trọng công tác thi đua, khen thưởng, động viên khích lệ người hiến máu, đơn vị tổ chức hiến máu, lan tỏa những tấm gương hiến máu tiêu biểu trong cộng đồng. Đẩy mạnh vận động người hiến máu nhắc lại, hiến máu thường xuyên, hiến máu thể tích từ 350ml trở lên. Đổi mới phương pháp quản lý, phát triển các Câu lạc bộ, Đội, Nhóm về hiến máu, vận động hiến máu…

Bộ trưởng Đào Hồng Lan lưu ý quan tâm việc ứng dụng chuyển đổi số y tế vào quản lý người hiến máu và các đơn vị máu; Kết nối thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu người hiến máu thống nhất, liên thông giữa các địa phương, giữa các trung tâm máu, bệnh viện có tiếp nhận máu.

Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cần có những nghiên cứu, đánh giá, rà soát lại hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động truyền máu, đến người hiến máu...

                                                                                                                   Nguồn: suckhoedoisong.vn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết Website
Thống kê
  • Đang truy cập112
  • Hôm nay5,672
  • Tháng hiện tại119,457
  • Tổng lượt truy cập2,866,805
Dịch vụ Tiêm chủng
Khử trùng, diệt côn trùng
Quan trắc môi trường lao động
Khám, Chữa bệnh Đa Khoa
Dịch vụ xét nghiệm
Kiểm dịch Y tế quốc tế
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây