Truyền thông “Nói không với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ thế hệ trẻ”
Thứ ba - 06/06/2023 21:23
Trong khuôn khổ của lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến ngày 31/5) được tổ chức vào sáng ngày 27/5/2023 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã phát động chiến dịch truyền thông “Nói không với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ thế hệ trẻ”. Đây là một trong chuỗi hoạt động hưởng ứng thông điệp của Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các quốc gia thúc đẩy hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá và thuốc lá mới tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng.
Sau 10 năm thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, đến nay giới trẻ Việt Nam đã có nhận thức tốt hơn về tác hại của thuốc lá và thay đổi hành vi cũng như tích cực tham gia hoạt động phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá. Kết quả từ Chương trình PCTH của thuốc lá cho thấy: so với năm 2015, tỉ lệ nam giới hút thuốc lá giảm từ 45,3% còn 42,3%; tỉ lệ hút thuốc lá thụ động giảm đáng kể tại các địa điểm như nơi làm việc, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà; tỉ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh niên từ 15 - 24 tuổi giảm còn 13% trong năm 2020. Ở nhóm lứa tuổi từ 13 tuổi đến 15 tuổi, tỉ lệ sử dụng thuốc lá giảm từ 2,5% trong năm 2014 còn 1,9% trong năm 2022.
Tuy vậy, Việt Nam hiện vẫn thuộc nhóm các quốc gia có số người sử dụng thuốc lá cao trên thế giới và công tác PCTH của thuốc lá tại Việt Nam vẫn đang gặp những khó khăn, thách thức. Các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa… xuất hiện nhiều trong những năm gần đây. Đây là các sản phẩm hiện chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại Việt Nam nhưng việc mua bán và quảng cáo đang diễn ra phổ biến, nhất là trên môi trường internet.
Được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và hương vị rất hấp dẫn giới trẻ, các sản phẩm này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử có xu hướng tăng nhanh trong lứa tuổi học sinh. Theo điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế Thế giới, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh từ 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Trong năm 2020, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử ở cả nam và nữ tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%) và xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi từ 15 - 24.
Tại hội thảo cung cấp thông tin về PCTH của thuốc lá được tổ chức trong tháng 5/2023, đại diện Quỹ PCTH của thuốc lá thuộc Bộ Y tế cho biết: Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là những sản phẩm mới xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy bằng chứng khoa học về độc tính và ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của các sản phẩm này vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu nhưng rất nhiều nghiên cứu bước đầu đã chỉ ra hậu quả đối với sức khỏe của việc sử dụng, tiếp xúc thụ động với khói của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, mắc bệnh răng miệng và các vấn đề sức khỏe khác bao gồm các triệu chứng tiêu hóa mà phổ biến nhất là đau vùng thượng vị, buồn nôn và nôn, tiêu chảy và xuất huyết tiêu hóa.
Về tác hại của thuốc lá điện tử, GS.TS.Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Thuốc lá điện tử có chứa nicotine là một chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim, phổi cùng nhiều bệnh khác. Bên cạnh nicotine, thuốc lá điện tử còn chứa các hóa chất khác và khoảng 20.000 loại hương liệu mà trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe. Ngoài các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng còn nguy cơ làm phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác”. Dựa trên khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới về thực tế không có ngưỡng an toàn cho việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá và không có một loại thuốc lá nào là an toàn với sức khỏe, GS.TS.Trần Văn Thuấn khẳng định: “Thuốc lá điện tử không phải là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường và cũng không phải sản phẩm ít hại, ít nguy cơ đối với sức khỏe”.
Truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong các nỗ lực kiểm soát tác hại của thuốc lá. Vì vậy, các chương trình truyền thông trong năm 2023 của Quỹ PCTH của thuốc lá sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên các trang mạng xã hội để cung cấp thông tin kịp thời và huy động sự tham gia của đông đảo thanh niên, sinh viên ủng hộ hoạt động PCTH thuốc lá.
Cùng với việc cảnh báo đã có nhiều trường hợp học sinh phải cấp cứu vì bị ngộ độc nicotine và dung dịch có trong các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha, ngày 24/4/2023, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có Công văn số 474/KCB-QLHN gửi sở y tế các tỉnh, thành phố đề nghị thực hiện một số nội dung tiếp tục tăng cường truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá nói chung và các sản phẩm thuốc lá mới.
Chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá có tên “Nói không với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ thế hệ trẻ” hướng tới mục đích kêu gọi thanh thiếu niên không sử dụng các loại thuốc lá mới để phòng ngừa các tổn thất về sức khỏe, ngăn chặn các hệ lụy về xã hội, kinh tế, môi trường, đặc biệt là các hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của thế hệ trẻ.
Một số thông điệp của chiến dịch này là : “Sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có thể gây tổn thương phổi, tim và não, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi”. “Giống như hút thuốc lá thường, thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử cũng tỏa ra các hóa chất độc hại như nitrosamines và hydrocacbon có trong khói xe ô tô và thuốc trừ sâu gây ung thư”. “Sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng nhanh chóng gây nghiện nicotine và khó cai nghiện”.