Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do vi rút đường ruột gây ra và rất dễ lây lan. Bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi, phổ biến nhất là trẻ em dưới 10 tuổi và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm, số ca trẻ em nhiễm tay chân miệng có xu hướng tăng cao. Vì vậy, phụ huynh cần chủ động các biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho con em mình.
Sau hơn 2 tuần chăm sóc con gái bị tay chân miệng, anh S. ở thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng, vẫn chưa hết lo lắng. Anh kể, con gái anh năm nay 3 tuổi. Ban đầu thấy cháu chán ăn, mệt mỏi và sốt, gia đình nghĩ vì thời tiết thay đổi nên cho bé ở nhà nghỉ ngơi. Sau 2 ngày, cháu vẫn sốt và xuất hiện những nốt bọng nước hồng có đường kính khoảng vài mm, nổi trên bề mặt da tay, lòng bàn chân.
Lúc này vì công việc nên anh S. đưa cháu thẳng vào một bệnh viện ở TP. Đà Nẵng để thăm khám. Con anh được chẩn đoán đã mắc bệnh tay chân miệng. Theo anh S., việc điều trị và chăm sóc trẻ nhỏ mắc bệnh tay chân miệng rất khó khăn vì phải đảm bảo vệ sinh, sát khuẩn, cho con nghỉ học dài ngày để tránh lây lan khi tiếp xúc. Mặt khác, vì trẻ bị tổn thương ở nhiều vị trí trên cơ thể, lại sốt cao nên dễ nôn trớ, quấy khóc...
Tay chân miệng là một bệnh do vi rút cấp tính Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 gây ra. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em có thể dễ dàng lây truyền qua đường tiêu hóa hay tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ các bọng nước, phân, nước bọt hay dịch tiết mũi họng. Theo các chuyên gia, trong giai đoạn khởi phát từ 1 đến 2 ngày, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
Trẻ mắc tay chân miệng ở giai đoạn toàn phát có thể kéo dài 3 đến 10 ngày với các triệu chứng điển hình như loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.
Khi phát ban, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối.
Thông thường, trải qua các giai đoạn, trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng. Tuy nhiên bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Cho nên, khi thấy con em bị tay chân miệng cha mẹ cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt để xác định mức độ bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Bác sĩ CK1 Hồ Đức Phú, Trưởng khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải cho biết: “Hiện nay, khí hậu đang chuyển mùa hè, nóng ẩm là thời điểm bệnh chân tay miệng ở trẻ em có nguy cơ gia tăng.
Đối tượng mắc tay chân miệng thường là trẻ em vì trẻ có ít kháng thể hơn người lớn và khả năng miễn dịch cũng kém hơn khi tiếp xúc mầm bệnh. Hầu hết người lớn được miễn dịch nhưng vẫn có một số trường hợp mắc bệnh là thanh thiếu niên và người lớn.
Đối với trẻ em, việc sinh hoạt tập thể như đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, học bán trú, đến các địa điểm chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ có thể lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.
Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo các bậc phụ huynh cũng như nhà trường, cơ sở nuôi dạy trẻ cần đảm bảo tuyệt đối vấn đề vệ sinh cá nhân cũng như vệ sinh môi trường học tập cho trẻ. Cần thường xuyên lau sạch bề mặt, vật dụng bé tiếp xúc hằng ngày như sàn nhà, tường, đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang… bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.
Tập thói quen rửa tay đúng cách và thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh cho trẻ. Tránh cho con tiếp xúc gần như ôm, hôn, dùng chung khăn, đồ dùng cá nhân với các trẻ khác cũng là một cách để phòng bệnh tay chân miệng.
Tuyệt đối không mớm thức ăn, không dùng tay bốc thức ăn trực tiếp cho trẻ. Dạy trẻ không ăn bốc, không mút tay, không đưa đồ chơi lên miệng…
Đối với trẻ đã mắc bệnh, nên giặt sạch quần áo, tã lót, khăn mặt sau đó ngâm qua với nước sôi hoặc dung dịch cloramin B. Không giặt chung quần áo của trẻ mắc bệnh với các thành viên khác. Nên cho trẻ đi ngoài vào bô có sẵn chất diệt khuẩn như cloraminB, tránh thải trực tiếp ra môi trường xung quanh”.
Để đảm bảo sức khỏe và phòng tránh bệnh tay chân miệng cho trẻ, ngoài nâng cao nhận thức cho người dân, các bậc phụ huynh thì cũng cần chú trọng phòng bệnh tại các cơ sở y tế cũng như phòng bệnh trong cộng đồng.
Trong đó, việc sát khuẩn, vệ sinh cá nhân, vật dụng cá nhân và vệ sinh môi trường sống, môi trường học tập, làm việc theo đúng quy trình là biện pháp quan trọng hàng đầu để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.