Tìm giải pháp căn cơ “giữ chân” y, bác sĩ. Bài 2: Cần có chính sách thiết thực khuyến khích y, bác sĩ khu vực công lập

Thứ năm - 15/09/2022 04:01
Tình trạng nhân viên y tế bỏ việc dẫn đến thiếu hụt bác sĩ trong tương lai tại các bệnh viện công là thực trạng chung trong cả nước. Riêng ở Quảng Trị, dự báo đến năm 2025, tình hình thiếu hụt bác sĩ trên địa bàn tỉnh sẽ diễn ra nghiêm trọng do bác sĩ nghỉ hưu, bỏ việc tăng cao. Thực trạng đó đòi hỏi tỉnh phải có cơ chế, chính sách thiết thực để “giữ chân” y, bác sĩ.

 
 
KKS
Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày càng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân - Ảnh: K.K.S

Tháo gỡ khó khăn

Những năm qua, dù vẫn còn gặp một số khó khăn do thực hiện cơ chế tự chủ tài chính về chi thường xuyên nhưng trước, trong và sau COVID-19, Bệnh viên Đa khoa (BVĐK) tỉnh vẫn đủ kinh phí để chi trả lương và có thu nhập tăng thêm cho toàn bộ, nhân viên y tế. Tuy đã có nỗ lực rất lớn để đảm bảo công tác khám chữa bệnh, điều trị cho người bệnh cũng như đảm bảo đời sống, thu nhập cho cán bộ, nhân viên, đội ngũ y, bác sĩ song những khó khăn, thách thức vẫn hiện hữu.

Để hoàn thiện các điều kiện nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, bác sĩ Phan Xuân Nam kiến nghị: Ngoài hỗ trợ kinh phí đào tạo theo Nghị quyết 166/NQ/HĐND ngày 9/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh (Nghị quyết 166) thì cần hỗ trợ kinh phí cho đào tạo liên tục, do đây là nguồn kinh phí khá lớn, chưa được cấu thành vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh nên khó khăn về tài chính cho đơn vị. Có chính sách về lương phù hợp như: Hỗ trợ tiền lương cho các đơn vị tự chủ do giá khám, chữa bệnh chưa tính đúng, tính đủ nên nguồn thu hạn chế dẫn đến khó khăn về nguồn chi trả lương; sớm ban hành về chính sách chi trả lương theo vị trí việc làm để thu hút, giữ chân nhân lực y tế chất lượng cao.

Cần có cơ chế điều chỉnh trích lập các quỹ phát triển sự nghiệp, quỹ lương linh hoạt để có thể hỗ trợ thêm lương, thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế. Bộ Y tế cần có hướng dẫn về khám chữa bệnh theo yêu cầu để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân và tăng nguồn thu cho bệnh viện. BVĐK tỉnh kiến nghị cho thành lập một khu dịch vụ khám bệnh, điều trị chất lượng cao theo yêu cầu trong bệnh viện để tăng thu nhập cho đội ngũ y tế, tạo cho họ yên tâm gắn bó với bệnh viện và hạn chế bác sĩ làm thêm dịch vụ ở bên ngoài.

Còn theo Giám đốc Sở Y tế Đỗ Văn Hùng: Về công tác đào tạo liên thông, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, góp ý bổ sung nội dung Điều 5 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP: Đối với công tác đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học các ngành chuyên môn kỹ thuật đặc thù (y sĩ lên bác sĩ), bộ chuyên ngành hoặc UBND tỉnh tham mưu đề án trình Chính phủ xem xét quyết định.

Đối với công tác thu hút bác sĩ, hiện nay tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 166 quy định về chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo đội ngũ viên chức đơn vị sự nghiệp y tế công lập và chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2026 với mức hỗ trợ có tăng so với giai đoạn trước (quy định tại Nghị quyết số 12/2013/NQ-HĐND quy định một số chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút và tạo nguồn nhân lực có chất lượng của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2013 - 2020).

Tuy vậy, nhìn chung so với mức hỗ trợ của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thì mức hỗ trợ thu hút nhân lực, nhân tài ngành y tế Quảng Trị vẫn chưa cao. UBND tỉnh kiến nghị với Bộ Y tế và Chính phủ quan tâm hỗ trợ cho tỉnh Quảng Trị chính sách đào tạo, thu hút, đãi ngộ nguồn bác sĩ và các chức danh chuyên ngành có trình độ chuyên môn cao để kịp thời đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân. Ngoài ra, ông Hùng cũng cho rằng, cần đẩy mạnh truyền thông đến các cơ sở đào tạo nhân lực y tế trong cả nước để thu hút bác sĩ về tỉnh Quảng Trị.

Về công tác đãi ngộ bác sĩ: Đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét tăng mức đãi ngộ đối với bác sĩ để “giữ chân” đội ngũ làm công tác y tế tại cơ sở, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Về đào tạo chuyên sâu, đào tạo sau đại học: Cần xây dựng kế hoạch để đào tạo CKI, CKII, thạc sĩ, tiến sĩ nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn cho các bác sĩ từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, phấn đấu đạt tỉ lệ 20% có trình độ sau đại học. Về sáp nhập các trạm y tế xã: Thời gian qua, ngành y tế thực hiện hợp nhất từ 141 trạm xá xuống còn 125 trạm (giảm 16 trạm).

Tuy vậy, khó khăn gặp phải khi thực hiện việc hợp nhất này là chưa thể sắp xếp giảm được số cán bộ y tế, cụ thể: Giảm 16 trạm x 6 người/ trạm = 96 cán bộ y tế. Mặc dù sáp nhập các trạm y tế lại cho phù hợp với quy định tổ chức lại các đơn vị hành chính, nhưng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tại các cơ sở y tế không giảm, khối lượng công việc nhiều, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều bệnh dịch mới xuất hiện. Nên để thực hiện giảm 96 cán bộ y tế xã đối với ngành y tế của tỉnh như hiện nay là quá khó khăn…

Nghị quyết số 166 quy định chính sách thu hút đội ngũ bác sĩ như sau: Người có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư: 500 triệu đồng; người có học vị Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II: 400 triệu đồng; bác sĩ chuyên khoa cấp I, Thạc sĩ y học, bác sĩ nội trú, bác sĩ đa khoa đào tạo hệ chính quy tốt nghiệp loại xuất sắc: 300 triệu đồng; bác sĩ đa khoa đào tạo hệ chính quy tốt nghiệp loại giỏi (trừ trường hợp được thu hút, tuyển dụng vào công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh): 250 triệu đồng; bác sĩ đa khoa đào tạo hệ chính quy tốt nghiệp loại khá được thu hút, tuyển dụng vào công tác tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tuyến huyện, tuyến xã: 200 triệu đồng; bác sĩ đa khoa đào tạo hệ chính quy tốt nghiệp loại trung bình khá được thu hút, tuyển dụng vào công tác tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tuyến huyện, tuyến xã: 150 triệu đồng; bác sĩ đa khoa đào tạo hệ chính quy tốt nghiệp loại trung bình được thu hút, tuyển dụng vào công tác tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tuyến huyện, tuyến xã: 100 triệu đồng.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gio Linh Hoàng Quốc Vũ cho biết, toàn ngành y tế huyện Gio Linh hiện có 480 cán bộ, nhân viên từ tuyến huyện đến xã, thực hiện nhiệm vụ tại 4 hệ: điều trị, dự phòng, y tế xã, dân số-KHHGĐ. Trung tâm hiện thiếu một số nhân lực chuyên ngành như: Bác sĩ gây mê hồi sức, cấp cứu, sản. Trong khi chờ sự hỗ trợ từ cấp trên, trung tâm đã trích kinh phí sự nghiệp của đơn vị để hỗ trợ cử cán bộ đi đào tạo các chuyên ngành còn thiếu, tuy vậy vẫn không đáp ứng được nhu cầu.

Bác sĩ Vũ kiến nghị, cần sớm giải quyết việc bác sĩ đào tạo từ y sĩ, dược sĩ đại học đào tạo từ dược sĩ và một số cán bộ y tế đào tạo ngạch khác dù đã hoàn thành đào tạo từ 4-5 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa được chuyển đổi hưởng lương theo ngạch đã học xong, dẫn đến thiệt thòi rất lớn về quyền lợi.

Những khó khăn, vướng mắc ở Trung tâm Y tế huyện Gio Linh cũng là tình trạng chung của nhiều trung tâm y tế khác trong toàn tỉnh, cần được xem xét, giải quyết kịp thời để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng như đảm bảo đời sống, nâng cao thu nhập, “giữ chân” được đội ngũ y, bác sĩ tài năng và tâm huyết cho ngành y.

Nhân lên những tấm lòng yêu nghề

Về miền núi rừng Đakrông, hỏi bác sĩ Trịnh Đức Thiện, Trưởng Trạm Y tế xã A Vao hẳn sẽ khá nhiều người biết. Bởi ông đã có đến 23 năm gắn bó công tác tại bản làng vùng cao khó khăn bậc nhất của tỉnh Quảng Trị này.

Quê của bác sĩ Thiện ở xã Hồng Thủy, huyện A Lưới nhưng ông đã sớm bén duyên với xã A Vao khi vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Huế vào năm 1998. Ông đã về công tác nơi miền heo hút này và giữ chức trạm trưởng ngay từ khi vừa nhận việc. Công tác một thời gian, ông tiếp tục vừa làm, vừa học đại học theo diện cử tuyển và tốt nghiệp Trường Đại học Y tế Huế vào năm 2007. Từ năm 2013 - 2015, ông tiếp tục học và hoàn thành chương trình cao học.

Ở địa bàn một xã miền núi thuộc diện khó khăn, hiểm trở như A Vao với 6 thôn nằm rải rác, biệt lập (xa nhất là thôn Pa Lin, cách trung tâm xã đến 20 km đường rừng) nên theo bác sĩ Thiện, công tác ở đây phải có sức khỏe tốt và một lòng yêu nghề luôn cháy bỏng mới bám trụ được. Từ những ngày đầu công tác cho đến nay, việc băng suối vượt rừng, bị sốt rét, bị vắt cắn… của bác sĩ Thiện và các cán bộ, nhân viên y tế ở xã A Vao là việc diễn ra thường xuyên.

“Mãi đến năm 2019, nơi đây mới chấm dứt tập tục đẻ ở ngoài chòi. Để chấm dứt tập tục lạc hậu này, chúng tôi đã kiên trì vận động bền bỉ từ hàng chục năm qua. Cùng với đó, chúng tôi cũng vận động bà con bỏ tập tục cúng thầy mo mỗi khi có người nhà đau ốm và khuyên bà con hãy đưa tới trạm y tế để được thăm khám. Hay như vận động kế hoạch hóa gia đình cũng hết sức gian nay. Tuy vậy, đến nay có điều đáng mừng là nhận thức của bà con dân bản, nhất là thế hệ trẻ sau này về chăm sóc sức khỏe, sinh sản, phòng, chống bệnh tật đã được nâng lên rất nhiều…”, bác sĩ Thiện tâm sự.
 
DUCVIET 56702
Nhân viên y tế Trạm Y tế xã Hải Sơn, Hải Lăng đo huyết áp cho người dân đến khám bệnh - Ảnh: Đ.V

Bác sĩ Thiện cho biết, Trạm Y tế xã A Vao có 7 cán bộ, nhân viên và thực hiện chức năng chủ yếu là triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, tiêm chủng, phòng, chống sốt xuất huyết, sốt rét, bệnh chân tay miệng… Đặc biệt, trong quảng thời gian phòng, chống COVID-19 vừa qua, A Vao là địa bàn cấp xã duy nhất của tỉnh có đến 2 chốt phòng, chống dịch. “Những ngày dịch căng thẳng, bình quân mỗi tuần tôi đều vượt đường mòn vào trạm phòng, chống dịch đến 3 - 4 lần để hỗ trợ, hướng dẫn cho anh em về kiểm soát dịch bệnh.

Thời điểm COVID-19, tôi cũng như anh em cán bộ y tế thật sự rất vất vả, tuy vậy ai cũng đều đã cố gắng hết sức mình để phòng, chống dịch thành công”, bác sĩ Thiện chia sẻ. Vị bác sĩ tận tụy 52 tuổi này cho biết, đã nhiều lần ông được cấp trên đề xuất rút ra huyện công tác nhưng ông đều xin ở lại với A Vao.

Ông nói: “Nhà nước đã tạo điều kiện đào tạo mình thành một người bác sĩ, cho mình một công việc tốt, có ích cho cộng đồng nên mình sẽ nguyện gắn bó mãi với xã vùng cao A Vao, để thực hiện thiên chức chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Thật sự, tôi đã xem A Vao là quê hương thứ 2 của mình”.

Không chỉ bác sĩ Thiện mà còn có rất nhiều y, bác sĩ, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh vẫn ngày ngày vượt khó để bám trụ với nghề. Họ đã cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân bằng tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao cả. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp thiết thực để “giữ chân” các y, bác sĩ như đã nêu trên, theo chúng tôi, cần tuyên truyền, nhân rộng hơn nữa những tấm gương ngành y tận tụy với nghề, mà câu chuyện của bác sĩ Thiện là một ví dụ.

                                                                                                                       
Nguồn: baoquangtri.vn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Dịch vụ Tiêm chủng
Khử trùng, diệt côn trùng
Quan trắc môi trường lao động
Khám, Chữa bệnh Đa Khoa
Dịch vụ xét nghiệm
Kiểm dịch Y tế quốc tế
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây