Tìm giải pháp căn cơ “giữ chân” y, bác sĩ. Bài 1: Nan giải bài toán nhân lực ngành y tế

Thứ năm - 15/09/2022 07:48
Những năm qua, ngành Y tế tỉnh Quảng Trị luôn trong tình trạng thiếu hụt lớn nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ bác sĩ. Việc thiếu bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ có trình độ chuyên môn cao đã khiến ngành gặp khó khăn trong việc triển khai, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật y tế cho người dân tại một số địa phương trong tỉnh cũng như triển khai các chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao trong ngành để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của Nhân dân.
 
Tu Linh Y te 2
Phòng khám tư nhân 245, nơi được nhiều người dân chọn khám chữa bệnh - Ảnh: PK 245

Nhiều đơn vị y tế thiếu bác sĩ

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong Võ Thanh Tâm cho biết, trung tâm có 160 cán bộ, nhân viên, trong đó có 37 bác sĩ, phục vụ 159 giường bệnh. Với nguồn nhân lực khiêm tốn như vậy, trung tâm đáp ứng được 80% nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương. Ngành y tế huyện Triệu Phong đang thiếu hụt nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Tại tuyến xã, mới chỉ có 8/18 trạm y tế có bác sĩ làm việc. Theo tính toán độ tuổi, đến năm 2025 có 5 bác sĩ đến tuổi nghỉ hưu, như vậy cần thêm bác sĩ để bổ sung các vị trí khuyết này.

Đồng thời đơn vị cũng cần thêm 10 bác sĩ bổ sung tuyến xã và một số bác sĩ có chuyên môn sâu. 2 năm qua, trung tâm có 4 nhân viên y tế xin nghỉ việc, chủ yếu với lý do cần giải quyết công việc gia đình. Theo đánh giá chung, đội ngũ cán bộ, công chức, lao động của đơn vị đa số được đào tạo đạt chuẩn theo quy định; tận tụy, nhiệt tình với công việc; có ý thức phấn đấu học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, có một số cán bộ chưa đạt chuẩn đang tích cực tham gia các lớp đào tạo để nâng cao trình độ.

Không chỉ tuyến cơ sở mà ở tuyến tỉnh, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, cũng đang gặp khó khăn về nguồn nhân lực. Số lượng bác sĩ, nhân viên y tế của đơn vị hiện tại có 744 người, trong đó có 172 bác sĩ. Nguồn nhân lực này chưa đủ theo cơ cấu tổ chức của BVĐK tỉnh, bệnh viện xếp hạng I. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ cơ bản đảm bảo thực hiện chức năng nhiệm vụ; đảm nhận được hầu hết các yêu cầu chuyên môn, trong đó có các kỹ thuật chuyên sâu về tim mạch, ngoại khoa, ung bướu, đột quỵ… không thua kém các bệnh viện tuyến tỉnh hạng I trên toàn quốc.

Bệnh viện luôn có hiệu suất sử dụng giường bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch, trừ những năm COVID-19 bùng phát. Hiện có 42 nhân viên y tế của đơn vị đang được đào tạo sau đại học, đào tạo liên tục, tham gia các khóa học để tiếp thu, chuyển giao kỹ thuật mới, chuyên sâu… “Trong 2 năm qua, đơn vị có 7 nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển công tác. Dự báo đến năm 2025, bệnh viện có 7 bác sĩ nghỉ hưu. Để hoàn thiện nguồn nhân lực, từ nay đến năm 2025, bệnh viện cần bổ sung thêm 40 - 61 bác sĩ”, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, bác sĩ Phan Xuân Nam cho biết.

Báo cáo của Sở Y tế cho biết, đến năm 2025, toàn tỉnh ước tính có 77 bác sĩ nghỉ hưu, khoảng 25 bác sĩ có nhu cầu nghỉ việc, như vậy số lượng bác sĩ của ngành sẽ giảm mất khoảng 100 người. Hệ quả, hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến xã sẽ rơi vào tình trạng không có bác sĩ làm việc, hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong năm 2021, ngành y tế tỉnh có 16 người nghỉ việc, trong đó có 4 bác sĩ; 6 tháng đầu năm 2022 có 7 người nghỉ việc thì có 3 bác sĩ, còn lại là kế toán và kỹ thuật viên. Hiện ngành y tế có 643 bác sĩ, đạt tỉ lệ 10 bác sĩ/ vạn dân. Để đạt được mục tiêu 11 bác sĩ/vạn dân vào năm 2025 (750 bác sĩ), tỉnh còn thiếu trên 100 bác sĩ. Cộng với số lượng khoảng 100 bác sĩ nghỉ hưu và nghỉ việc như đề cập ở trên thì con số thiếu bác sĩ lên đến 200 người.

Bác sĩ N.V., từng đảm trách chức vụ phó trưởng một khoa của BVĐK tỉnh cách đây gần 1 năm đã làm đơn xin nghỉ để ra làm việc tại một phòng khám tư nhân. Theo bác sĩ này, làm việc ở đâu thì cũng đúng chuyên môn của mình là khám chữa bệnh cho Nhân dân, tuy nhiên môi trường mới phù hợp hơn và thu nhập cao hơn để đảm bảo cuộc sống gia đình.

Đi tìm nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên nhưng tựu trung đó là công tác thu hút, tuyển dụng bác sĩ của tỉnh còn tồn tại một số bất cập. Từ năm 2014 - 2021 có 131 bác sĩ về tỉnh thì có đến 114 bác sĩ đa khoa về BVĐK tỉnh Quảng Trị, còn lại là về các đơn vị khác của tuyến tỉnh. Chỉ có duy nhất 1 trường hợp bác sĩ đa khoa về tuyến huyện công tác tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh. Hầu như bác sĩ đa khoa không muốn về công tác tại tuyến huyện, tuyến xã.

Lý giải vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Đỗ Văn Hùng cho biết, chính sách thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế có nhiều điểm mới nhưng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn nên ngành đang gặp rất nhiều khó khăn để phát triển. Cụ thể mức hỗ trợ của Nghị quyết 166/ NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh dù mới ban hành nhưng vẫn thấp hơn so với các tỉnh khác trong cả nước. Tỉnh Đồng Nai thu hút mỗi bác sĩ được hỗ trợ một lần từ 100 - 150 triệu đồng; tỉnh Bình Định từ 120 - 180 triệu đồng; các tỉnh Bình Phước, Phú Yên từ 150 - 200 triệu đồng; tỉnh Đắk Nông từ 180 - 220 triệu đồng; tỉnh Bình Dương từ 400 triệu đồng. Đối với mức hỗ trợ 1 lần thu hút bác sĩ có trình độ sau đại học của tỉnh cũng vẫn còn thấp so với các tỉnh, thành phố khác. Đơn cử như ở tỉnh Bình Định, mức thu hút cho giáo sư bằng 400 lần lương cơ sở, phó giáo sư 350 lần, tiến sĩ 300 lần và chuyên khoa 2 là 250 lần lương cơ sở; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ nội trú 150 lần lương cơ sở.

Nguyên nhân tiếp theo là thực tế thu nhập của nhân viên y tế quá thấp khiến họ không mặn mà với công việc tại tuyến cơ sở. Theo ông Hùng, đối với BVĐK tỉnh, các bác sĩ được tuyển dụng mặc dù không được hỗ trợ ban đầu nhưng quá trình làm việc lại có thu nhập tăng thêm. Trong khi đó, hiện nay trung tâm y tế tuyến huyện và các đơn vị trực thuộc là đơn vị được giao tự chủ về tài chính (đơn vị sự nghiệp có thu), nên bác sĩ về đây công tác không có thu nhập tăng thêm. Tại các trung tâm y tế huyện hiện có hệ điều trị và hệ dự phòng - dân số. Mặc dù hệ dự phòng - dân số được hưởng ngân sách nhà nước nhưng mức lương thấp, không thể đáp ứng được nhu cầu cuộc sống.

Trong khi đó, các bác sĩ về làm việc tại trung tâm y tế huyện và tham gia công tác điều trị, dù họ có làm nhiều công việc, thì nguồn thu nhập tăng thêm cũng không được hưởng mà phải nhập vào ngân sách để chi trả lương cho các đơn vị khác. Thực tế là bác sĩ điều trị phải “gánh” cả hệ dự phòng - dân số khiến họ không phát huy được năng lực. Vì vậy, bác sĩ không tha thiết với việc thu hút nhân lực mặc dù được đãi ngộ đầu vào mức khá cao. Điều này chưa kể đến cơ sở vật chất tuyến y tế cơ sở của tỉnh hiện xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, môi trường làm việc chưa thuận lợi khiến bác sĩ thiếu động lực về cơ sở công tác.
 
Tu linh y te 1
Khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế Triệu Phong -Ảnh: T.L 

Theo bác sĩ T., chủ một phòng khám tư nhân trên địa bàn TP. Đông Hà, nguyên nhân chủ yếu khiến y, bác sĩ khu vực công lập có xu hướng bỏ việc, nghỉ việc, chuyển việc xảy ra trong cả nước thời gian qua là do thu nhập, áp lực công việc, môi trường và điều kiện làm việc chưa đáp ứng được tiêu chuẩn. Tại địa bàn tỉnh Quảng Trị, theo vị bác sĩ này, tình trạng trên xảy ra chủ yếu ở những bác sĩ mới ra trường hoặc những bác sĩ có áp lực về kinh tế, cũng có những trường hợp vì lý do gia đình.

Sở dĩ phòng khám tư ngày càng thu hút đông đảo bệnh nhân đến khám, điều trị cũng như có sức hút đối với bác sĩ có năng lực là bởi cung cách, thái độ phục vụ tận tình, nhiệt huyết; điều kiện làm việc ít áp lực; cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc được đầu tư hiện đại; giá thành khám, điều trị cạnh tranh hơn; thu nhập của y, bác sĩ cao hơn nhiều so với khu vực công lập…

Về tình trạng một số bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc, ông Đỗ Văn Hùng cho biết, nhìn tổng thể họ xin thôi việc là chuyện bình thường trong nền kinh tế thị trường có định hướng. Người sử dụng lao động có quyền lựa chọn lao động có tay nghề cao, giỏi chuyên môn, thì người lao động cũng có quyền lựa chọn tìm kiếm việc làm có lương cao, điều kiện làm việc phù hợp sở trường của mình.

Ở đây việc bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc có nhiều nguyên nhân, nhưng cốt yếu cũng là do vấn đề thu nhập, phụ cấp ưu đãi nghề cho bác sĩ còn thấp, chính sách ưu đãi của tỉnh vẫn chưa hấp dẫn (từ 0,5 đến 1,0 mức lương cơ sở theo tuyến) khiến đội ngũ này khó lòng yên tâm gắn bó với bệnh viện công. Trong khi đó hệ thống y tế tư nhân đang phát triển, hứa hẹn mang lại môi trường làm việc tốt hơn với mức thu nhập khá hấp dẫn.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị có cơ chế đào tạo bác sĩ chính quy diện theo địa chỉ từ ngân sách tỉnh, nhưng chất lượng đào tạo chưa đạt như mong muốn. Bác sĩ đào tạo theo hợp đồng tại Trường Đại học Y Dược Huế có chất lượng nhưng đầu vào rất ít, đa số sau khi tốt nghiệp, họ sẵn sàng đền bù, chịu phạt vi phạm hợp đồng đào tạo để đi vào miền Nam, nơi được trả lương cao, môi trường làm việc thuận lợi.

Công tác đào tạo sau đại học của ngành y tế Quảng Trị hiện chưa đáp ứng kịp yêu cầu của tình hình mới. Tỉ lệ đào tạo sau đại học của toàn ngành hiện là 302/3.364 người, đạt 9%, trong khi chỉ tiêu của tỉnh giao phải đạt từ 15 - 30% trình độ sau đại học. Bài toán giải quyết khó khăn nguồn nhân lực cho ngành y tế Quảng Trị vẫn còn nhiều nan giải.

                                                                                                                       Nguồn: baoquangtri.vn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết Website
Thống kê
  • Đang truy cập33
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay2,158
  • Tháng hiện tại73,427
  • Tổng lượt truy cập2,947,169
Dịch vụ Tiêm chủng
Khử trùng, diệt côn trùng
Quan trắc môi trường lao động
Khám, Chữa bệnh Đa Khoa
Dịch vụ xét nghiệm
Kiểm dịch Y tế quốc tế
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây