Kiến nghị có chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất cho y tế cơ sở
Thứ tư - 21/12/2022 20:12
Hôm nay 21/12, đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các đại biểu: Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Thị Minh tiếp tục có buổi giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Tham gia các buổi giám sát có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy.
Theo báo cáo của Sở Y tế, tổng kinh phí từ các nguồn lực được huy động cho công tác phòng chống COVID-19 trên địa bàn tỉnh hơn 1.153 tỉ đồng, trong đó nguồn từ ngân sách nhà nước là hơn 687 tỉ đồng, phần còn lại là huy động từ các cá nhân, tổ chức, đơn vị tài trợ bao gồm tiền mặt và hiện vật.
Trong đó, kinh phí phòng chống dịch tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hơn 334 tỉ đồng. Kinh phí đã thực hiện cho công tác phòng chống dịch hơn 1.098 tỉ đồng bao gồm các hoạt động mua thuốc, vật tư, hóa chất, kit xét nghiệm, trang thiết bị, phương tiện phòng chống dịch; sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế; điều trị bệnh nhân; phụ cấp cán bộ tham gia chống dịch; hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn…
Nhìn chung, việc huy động, quản lý, sử dụng kinh phí đúng quy định pháp luật, góp phần phòng chống dịch hiệu quả, trong đó Quảng Trị là địa phương có số người nhiễm bệnh, tử vong thấp so với các địa phương khác trong cả nước, đồng thời có đoàn công tác vào hỗ trợ chống dịch tại tỉnh Bình Dương; nhiều đối tượng trong xã hội được kịp thời hỗ trợ vượt qua khó khăn trong dịch bệnh.
Tuy nhiên, COVID-19 là loại bệnh mới, chưa có tiền lệ trên quy mô toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi hoạt động đời sống xã hội; chưa có kinh nghiệm chống dịch; cơ chế, chính sách, hướng dẫn mua sắm vật tư, thiết bị còn nhiều vướng mắc dẫn đến lúng túng, xảy ra nhiều thiếu sót.
Qua thanh tra đã thu hồi số tiền hơn 437 triệu đồng, xử phạt 12 tổ chức, cá nhân vi phạm. Việc hỗ trợ cho người lao động, sử dụng lao động gặp khó khăn mất nhiều thời gian do phải qua nhiều quy trình.
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng được triển khai đúng quy định từ việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp từ 34 đơn vị xuống còn 20 đơn vị. Bên cạnh đó, bố trí nguồn nhân lực cho y tế cơ sở với số lượng là 3.418 người; đạt tỉ lệ 10 bác sĩ/1 vạn dân; có 110/125 xã có bác sĩ làm việc thường xuyên.
Đối với hệ dự phòng do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã, cán bộ y tế thôn bản thực hiện đã phát huy vai trò phòng bệnh, nhất là trong việc kiểm soát COVID-19.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, y tế cơ sở đang gặp khó khăn về nguồn nhân lực chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng, đặc biệt là cơ sở vật chất; chưa thu hút được bác sĩ về làm việc tại tuyến huyện và cấp xã; việc thực hiện tự chủ tài chính gặp khó khăn; hạ tầng cơ sở vật chất tại hệ thống y tế xã, phường, thị trấn chưa đảm bảo.
Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến nay đạt 95% nhưng số người chưa có thẻ bảo hiểm y tế còn khá nhiều. Nguồn lực đầu tư cả về nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất cho y tế dự phòng ở cơ sở còn thiếu so với nhiệm vụ, thực tiễn đề ra.
Để khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiến nghị sớm hoàn thiện các quy định pháp luật về khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất để tạo hành lang pháp lý thuận lợi.
Có chế độ đãi ngộ phù hợp cho hệ y tế dự phòng; thu hút nguồn nhân lực; đầu tư cơ sở vật chất cho y tế cơ sở. Có giải pháp xử lý những bất cập về chế độ chính sách dành cho lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch.
Giải quyết những bất cập về chính sách thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, quy định về tổng mức thanh toán bảo hiểm y tế như hiện nay. Ban hành chính sách thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản tại tuyến y tế cơ sở, tạo điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe định kỳ.
Phát biểu tại các buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng ghi nhận và biểu dương nỗ lực của hai cơ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, đã có các cách làm sáng tạo nhằm kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, hỗ trợ người dân trong quá trình thực hiện xét nghiệm, cách ly, điều trị.
Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều tình huống mới, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe người dân, trong khi đó thiếu các hướng dẫn, quy định nên xảy ra một số thiếu sót. Bên cạnh đó, ghi nhận các kiến nghị để nghiên cứu, tổng hợp gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xem xét, tháo gỡ.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Đức Thắng cho rằng, diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, vì vậy, ngành y tế cần chủ động xây dựng các kịch bản để đối phó, đặc biệt là ở cơ sở. Cần tập trung đầu tư nguồn lực cho cơ sở cả về hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân, kiểm soát hiệu quả khi xảy ra dịch bệnh.