Tuyến y tế cơ sở thiếu hụt bác sĩ gây khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh
Thứ ba - 22/10/2024 20:25
Nhiều bác sĩ đã đến tuổi nghỉ hưu trong khi không tuyển dụng được bác sĩ trẻ, thực tế này đang khiến các trung tâm y tế (TTYT) huyện, trạm y tế xã thiếu hụt trầm trọng bác sĩ. Làm thế nào để tìm được nguồn nhân lực bổ sung kịp thời, đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho người dân tại các địa phương đến nay vẫn là bài toán khó.
Trung bình mỗi tháng, Trạm Y tế xã Hải Quế, huyện Hải Lăng khám sức khỏe cho khoảng 400 lượt bệnh nhân. Nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) của người dân trong vùng lớn song đã nhiều năm nay, trạm y tế này luôn hoạt động trong tình trạng... không có bác sĩ.
Trao đổi với phóng viên, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hải Quế Đoàn Thị Bé cho hay: “Trạm hiện có 7 cán bộ, trong đó chỉ có 1 y sĩ đang theo học ngành y đa khoa, Đại học Y dược Huế, còn lại không có bác sĩ. Điều này khiến việc chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Tại trạm chủ yếu khám các bệnh nhẹ, thông thường như: đo huyết áp, cảm, ho, sốt... Đa số các trường hợp nặng thì trạm chuyển tuyến để bệnh nhân được thực hiện các dịch vụ cao hơn. Nếu có bác sĩ thì có những ca bệnh mức độ vừa không phải chuyển tuyến”.
Theo bà Đoàn Thị Bé, mong muốn có bác sĩ tham gia công tác tại trạm là mong muốn chung của các cử nhân, y sĩ lẫn người dân trên địa bàn xã Hải Quế. “Công tác KCB cho người dân sẽ được đảm bảo hơn nếu có bác sĩ có trình độ, chuyên môn tốt. Không những thế, lực lượng này cũng sẽ giúp chúng tôi có cơ hội học hỏi để nâng cao, hoàn thiện kỹ năng, tay nghề”, bà Bé nói thêm.
Trung tâm Y tế huyện Hải Lăng hiện có 38 bác sĩ, trong đó 25 bác sĩ làm việc ở tuyến huyện; 13 bác sĩ làm việc ở tuyến xã. So với đề án vị trí việc làm được UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 700/QĐUBND ngày 29/3/2024, trung tâm còn thiếu 18 bác sĩ. Số lượng bác sĩ dự kiến sẽ còn tiếp tục giảm khi đến năm 2025 sẽ có 4 bác sĩ về hưu theo chế độ.
Theo bác sĩ CKII Hồ Văn Lộc, Giám đốc TTYT huyện Hải Lăng, thời gian qua, dù rất nỗ lực trong công tác đào tạo nhân lực nhưng số lượng cán bộ vẫn không đáp ứng hết nhu cầu KCB, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ đa khoa và một số chuyên khoa lẻ. Các bác sĩ phải làm kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, bác sĩ làm hệ dự phòng cũng phải tham gia KCB.
“Thiếu bác sĩ khiến trung tâm gặp khó khăn trong việc triển khai thêm một số dịch vụ KCB đòi hỏi chuyên môn cao. Chúng tôi rất lo ngại khi các bác sĩ đủ tuổi nghỉ hưu không có lớp kế cận vì bác sĩ mới ra trường đang có nhiều cơ hội việc làm, không chấp nhận về tuyến huyện, tuyến xã công tác do các chính sách đãi ngộ còn thấp so với các địa phương khác”, bác sĩ CKII Hồ Văn Lộc nói.
Không riêng tại TTYT huyện Hải Lăng, thông tin từ Sở Y tế Quảng Trị cho hay, toàn tỉnh hiện có 715 bác sĩ, đạt tỉ lệ 10,4 bác sĩ/1 vạn dân, trong đó, tuyến tỉnh có 337 bác sĩ, tuyến huyện có 244 bác sĩ, tuyến xã có 134 bác sĩ. Con số này thấp hơn so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Dự kiến từ đây đến năm 2025 sẽ thiếu trên 100 bác sĩ, đến năm 2030 thiếu trên 150 bác sĩ.
Lý giải về điều này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Lâm Chi cho biết, thời gian qua dù đã có nhiều chính sách thu hút, đãi ngộ, tuy nhiên, trên thực tế công tác tại các trạm y tế cơ sở còn nhiều khó khăn, vất vả, thu nhập không như mong muốn, nên nhiều bác sĩ không mặn mà khi về công tác. Bên cạnh đó, tại các cơ sở y tế cấp huyện, cấp xã, điều kiện cơ sở vật chất xây dựng từ nhiều năm trước đã xuống cấp, trang thiết bị thiếu thốn, chưa triển khai được các kỹ thuật chuyên môn mới, môi trường làm việc không hấp dẫn.
Trong khi đó, các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân ngày càng phát triển, môi trường làm việc thuận lợi, hiện đại, sẵn sàng trả mức thu nhập cao để thu hút bác sĩ, nhân viên y tế có trình độ cao, chuyên môn sâu hoặc đã có chứng chỉ hành nghề KCB.
Theo ông Hà Lâm Chi, để khắc phục được tình trạng thiếu bác sĩ tuyến cơ sở đòi hỏi tỉnh phải có những giải pháp mang tính căn cơ trong việc tìm nguồn nhân lực bổ sung, thu hút nhân lực chất lượng cao về tỉnh công tác. Trong giai đoạn tới, Sở Y tế Quảng Trị sẽ tiếp tục thực hiện chính sách thu hút bác sĩ về tỉnh công tác theo Nghị quyết số 166/2021/NQ-HĐND, đặc biệt là y tế tuyến cơ sở, nghiên cứu đề xuất kéo dài đến giai đoạn 2026- 2030 để khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ trong những năm tới.
Đồng thời, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền tăng mức kinh phí thu hút; đề xuất Bộ Y tế có hướng tháo gỡ đối với công tác đào tạo liên thông từ y sĩ lên bác sĩ để giải quyết bài toán thiếu bác sĩ tại trạm y tế tuyến xã.
“Bên cạnh đề xuất thay đổi chính sách thu hút, đãi ngộ, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông đến các cơ sở đào tạo khối ngành y dược về chính sách thu hút bác sĩ của tỉnh Quảng Trị để thu hút nguồn nhân lực bác sĩ về tỉnh. Nghiên cứu tham mưu cấp có thẩm quyền thông qua Đề án luân phiên, tăng cường cán bộ y tế từ tuyến tỉnh về tuyến cơ sở để chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công trong lĩnh vực y tế, đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế hiện đại; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ bác sĩ tuyến huyện nhằm đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của Nhân dân”, ông Hà Lâm Chi nói.