Sốt xuất huyết vẫn diễn biến khó lường

Thứ tư - 21/06/2023 22:34
Theo đánh giá của chuyên gia, sốt xuất huyết hiện không theo quy luật 4 - 5 năm sẽ có một đợt dịch bùng phát đỉnh điểm, mà tăng từng năm, đặc biệt khi thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều. Mặc dù năm 2022, ca mắc sốt xuất huyết và tử vong tăng cao đỉnh điểm, nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, căn bệnh này gia tăng gấp gần 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt ở Hà Nội tăng gần gấp 4 lần. Theo dự báo, sốt xuất huyết năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp do có hiện tượng EI Nino, vì vậy công tác phòng, chống còn nhiều khó khăn.
 
Tăng ca mắc, tăng ổ dịch trong khu dân cư

Phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội là một trong những địa bàn có số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng của Thủ đô từ đầu năm đến nay. Theo lũy tích, trên địa phường đã có 23 ca mắc sốt xuất huyết với 5 ổ dịch hoạt động. Sở dĩ nơi đây là địa bàn “nóng” bởi dân cư đông, sinh viên thuê trọ lớn, vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo...
 
2feb34d1769c9fc2c68d
Diệt bọ gậy từ trong khu dân cư để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết hiệu quả. Ảnh: Thắng Đạt.

Sau khi phát hiện các ổ dịch, chính quyền địa phương và y tế phường đã tăng cường công tác vệ sinh môi trường, phun hóa chất, diệt muỗi, thả cá diệt bọ gậy… Song theo đánh giá của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong thời gian tới, đây vẫn là địa bàn thuận lợi để muỗi phát triển. Để phòng tránh dịch bệnh gia tăng, không có biện pháp nào tốt hơn là tuyên truyền cho người dân, sinh viên thuê trọ có ý thực tự phòng dịch, bởi chỉ khi có ý thức phòng dịch mới có thể bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như không để dịch bệnh lây lan.

Tương tự, tại xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất cũng ghi nhận 24 ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay. Từ tháng 5 xuất hiện 2 ổ dịch lưu hành, xã đã tiến hành các biện pháp dập dịch. Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch bệnh vẫn cao do xã là làng nghề, mật độ dân số đông, dân cư di biến động.

Theo người dân ở đây cho biết, mặc dù họ được chính quyền tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết nhưng chưa sát sao, quyết liệt trong việc chủ động tại hộ gia đình. Qua giám sát vẫn ghi nhận các vật dụng chứa nước tồn đọng, có loăng quăng, bọ gậy, phát hiện muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Trước tình hình trên, CDC Hà Nội đã yêu cầu xã Phùng Xá cần huy động các ban, ngành, đoàn thể và người dân cùng vào cuộc, đặc biệt là kiểm soát nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy…, không để dịch lan rộng.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, Hà Nội là thành phố có dân số đứng thứ 2 cả nước, địa bàn rộng, di biến động dân cư rất lớn. Vì vậy, nguy cơ về sốt xuất huyết luôn ở mức cao. Các khu vực có ổ dịch hàng năm diễn biến phức tạp, cả ở khu vực nội thành và một số huyện ngoại thành, đặc biệt là các huyện vùng ven tiếp giáp như Đan Phượng, Thanh Trì, Thanh Oai.

Năm 2022, Hà Nội có hơn 19.000 trường hợp mắc, 25 ca tử vong liên quan đến bệnh sốt xuất huyết. Tính đến tháng 6/2023, số ca mắc sốt xuất huyết tăng gần 100 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Sốt xuất huyết đã ghi nhận ở 27/30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô, với 14 ổ dịch tại 9 quận.

Ở một số nơi người dân vẫn còn thói quen tích trữ nước, công tác vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, công tác diệt muỗi, diệt bọ gậy chưa được thường xuyên, liên tục… là nguyên nhân gia tăng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nếu trong thời gian tới không có các biện pháp chủ động phòng, chống kịp thời.

Theo nhận định của CDC Hà Nội, tình hình dịch sốt xuất huyết có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho loăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển. Số ca mắc tăng từ đầu năm đến nay có thể ghi nhận bệnh nhân nặng và tử vong cao so với năm 2022.

Phòng bệnh do người dân là chính

Theo TS Nguyễn Văn Dũng – Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, sốt xuất huyết là căn bệnh vô cùng nóng hiện nay. Năm 2022 có số ca mắc sốt xuất huyết và tử vong cao đỉnh điểm. Tuy nhiên, năm nay, đến thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết so với cùng kỳ năm ngoái tăng gần 20%, đặc biệt ở Hà Nội, tăng gần gấp 4 lần. “Mấy năm gần đây, sốt xuất huyết không còn quy luật cứ 4-5 năm lại có một đợt dịch đỉnh điểm nữa mà tăng hàng năm do thời tiết mưa nắng thất thường. Đặc biệt năm nay, hiện tượng EI Nino khiến cho thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều dẫn đến sốt xuất huyết sẽ gia tăng”, TS Dũng cho biết.

Diễn biến tăng nặng của bệnh sốt xuất huyết từ ngày thứ 4-5, tuy nhiên, nhiều người bệnh lại chủ quan không thăm khám, tự điều trị tại nhà, khi biến chứng mới đến viện thì đã ở tình trạng nặng, hoặc rất nặng, thậm chí tử vong. Hiện nay, chưa có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, để phòng ngừa sốt xuất huyết, nhận thức và thông tin là yếu tố quan trọng nhất.

“Để phòng, chống được sốt xuất huyết, không có lực lượng nào tốt hơn chính là người dân. “Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết” – bọ gậy ở chính trong nhà dân, không ở ngoài đường. Đội ngũ cán bộ cho dù hùng mạnh đến đâu, nếu người dân không tự diệt bọ gậy như: Lật úp dụng cụ chứa nước, không để nước đọng ở chai, lọ… trong nhà thì không bao giờ diệt được. Phòng bệnh phải do người dân là chính, lực lượng y tế chỉ hỗ trợ, chính quyền có vào cuộc nhưng nếu người dân không tự phòng, chống bọ gậy trong nhà thì cũng thất bại”, TS Nguyễn Văn Dũng khuyến cáo.

                                                                                                                          Nguồn: cand.com.vn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Dịch vụ Tiêm chủng
Khử trùng, diệt côn trùng
Quan trắc môi trường lao động
Khám, Chữa bệnh Đa Khoa
Dịch vụ xét nghiệm
Kiểm dịch Y tế quốc tế
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây