Lực lượng chiếm 70% nhân lực khám chữa bệnh nhưng lương khởi điểm của điều dưỡng chỉ 2,8 triệu đồng

Thứ tư - 31/05/2023 07:53
Lực lượng điều dưỡng chiếm đến 70% trong đội ngũ của lực lượng làm công tác khám chữa bệnh. Dịch vụ do điều dưỡng cung cấp ngày càng góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng điều dưỡng vẫn còn thiếu cả về lượng và chất...
 
Trong thời gian qua, hệ thống tổ chức quản lý điều dưỡng đã bước đầu được thành lập ở các cấp. Chất lượng chăm sóc người bệnh đã có nhiều chuyển biến thông qua việc đổi mới các mô hình phân công chăm sóc, tổ chức chăm sóc người bệnh.

Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, nếu không tăng cường đầu tư cho đào tạo điều dưỡng, đến năm 2030, ngành y tế Việt Nam có thể sẽ đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 40.000-50.000 nhân lực điều dưỡng.

Đây là những thông tin được các nhà quản lý và chuyên gia, người làm nghề điều dưỡng cùng quan điểm đưa ra tại Tọa đàm "Nghề điều dưỡng: Không lo thất nghiệp, AI không thể thay thế" do Báo Dân trí phối hợp với Đại học VinUni tổ chức ngày 30/5.
 
toa dam 16854482504291245195421
Các khách mời dự tọa đàm "Nghề điều dưỡng: Không lo thất nghiệp, AI không thể thay thế"

"Chúng ta chưa có giáo sư, phó giáo sư về điều dưỡng"
Tại tọa đàm, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay hiện nay có hơn 1.400 bệnh viện công lập, hơn 300 bệnh viện ngoài công lập đều có hệ thống điều dưỡng trưởng và điều dưỡng làm công tác quản lý và chăm sóc. Lực lượng điều dưỡng chiếm đến 70% trong đội ngũ của lực lượng làm công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng điều dưỡng vẫn còn thiếu.

Về chất lượng, đa số các bệnh viện sử dụng điều dưỡng trung cấp, trong khi đó nhu cầu phải nâng cao chất lượng lên, phải 50-70% là điều dưỡng có trình độ cao đẳng và đại học.

"Chúng ta chưa có giáo sư, phó giáo sư về điều dưỡng, các nước bên cạnh như Thái Lan đã có đội ngũ các thầy dạy về điều dưỡng, thực hành điều dưỡng"- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Cùng đó ông cũng thẳng thắn cho hay, sức hút hiện nay với ngành điều dưỡng chưa có vì công việc nặng nhọc, vất vả nhưng chế độ tiền lương, đãi ngộ chưa tương xứng với sức lao động, điều kiện làm việc đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng nhu cầu… Nhiều nơi vẫn chưa đánh giá đúng vai trò của điều dưỡng.

Thứ nhất, với điều dưỡng ra trường, lương khởi điểm chỉ là 2,8 triệu đồng, sắp tới tăng lương thì lên được 3 triệu. Với mức lương như vậy rất khó khăn. Hiện nay cơ chế giao bệnh viện tự chủ, tại các bệnh viện nhà nước thì mức lương của điều dưỡng được gấp 2,5 lần là cao nhất, bệnh viện nào giỏi thì cũng chỉ 6-7 triệu.

Thứ hai, hiện y tế tư nhân phát triển, cũng trả khá cao, có thể gấp đôi mức lương này nên có sự chuyển dịch giữa công và tư. Đây là thách thức đòi hỏi các bệnh viện phải đổi mới, đổi mới từ giá viện phí đến các chi phí cấu thành, phải tính giá trong đó, bao gồm cả dịch vụ chăm sóc cũng phải tính đúng tính đủ để có thể trả lương cho điều dưỡng tốt hơn.

"Giám đốc các bệnh viện cũng phải quan tâm để làm sao công bằng trong chia các khoản tăng thêm để khuyến khích được các bạn điều dưỡng đưa hết năng lực, trí tuệ, đặc biệt tâm huyết của mình cho người bệnh"- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

AI không thể thay thế điều dưỡng để hỏi han, ân cần, dịu dàng với người bệnh
Tại toạ đàm, TS Trần Quang Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Dưỡng Việt Nam chia sẻ, Việt Nam đã và đang phải đương đầu với tình trạng già hóa dân số. Chúng ta đã qua giai đoạn dân số vàng. Theo quy luật, tuổi càng cao thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe càng lớn. Vì thế, nhu cầu lực lượng điều dưỡng rất lớn.

Theo TS Huy, trong bối cảnh già hóa dân số, người điều dưỡng không chỉ thực hiện các chăm sóc truyền thống như chăm sóc bệnh cấp tính trong bệnh viện hoặc chăm sóc theo Nội, Ngoại, Sản khoa; mà còn là những công việc mới như chăm sóc người già, chăm sóc tại nhà, chăm sóc phục hồi.

Điều này mở ra rất nhiều chuyên ngành chăm sóc mới, cũng là cơ hội để người điều dưỡng phát triển nghề nghiệp cũng như có sự thăng tiến. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nhà trường mở rộng đào tạo các chuyên ngành này, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Trước đây, người điều dưỡng (còn gọi là y tá) chỉ được đào tạo để thực hiện những chỉ định y khoa, y lệnh của bác sĩ. Nhưng ngày nay, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của người điều dưỡng đã thay đổi.

Tiếp lời, PGS.TS Lương Ngọc Khuê thông tin, mới đây, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và các bệnh viện đã xây dựng Thông tư 31 quy định về công tác điều dưỡng, trong đó nêu lên những vai trò hết sức quan trọng của người điều dưỡng, từ việc lập kế hoạch, chăm sóc đến điều trị, hướng dẫn người bệnh, dự phòng…

"Trí tuệ nhân tạo (AI) không thể thay thế điều dưỡng. AI không thể nâng giấc, chăm sóc, hỏi han, ân cần, dịu dàng với người bệnh; cũng không thể lập kế hoạch để thay thế bàn tay, khối óc, cử chỉ, ánh mắt, thay lời nói động viên của người điều dưỡng khi chăm sóc bệnh nhân. Các kỹ thuật chăm sóc như cho ăn, giúp cho người bệnh ngủ ngon, giúp người bệnh không bị ho, giúp họ thoải mái trong các hoạt động sinh hoạt trong bệnh viện... không ai có thể thay thế người điều dưỡng"- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh khẳng định.

Chia sẻ về công tác đào tạo cử nhân điều dưỡng hiện nay, TS Nguyễn Hoàng Long - Giám đốc chương trình Điều dưỡng, Viện Khoa học sức khỏe, Đại học VinUni cho hay nhà trường đang đào tạo 3 khóa sinh viên cử nhân điều dưỡng. Chương trình đào tạo 4 năm vừa theo khung trình độ quốc gia cũng như theo thông lệ chung của thế giới khi đào tạo bậc đại học.

Trong quá trình học sinh viên có rất nhiều cơ hội thực tập tại bệnh viện. Hiện nay tất cả sinh viên cử nhân điều dưỡng ở đây khi tốt nghiệp sẽ đều được nhận vào Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

TS Long cho biết thêm, trong quá trình đào tạo sinh viên điều dưỡng khóa 1 mặc dù mới học năm thứ 3 nhưng nhà trường đã mời chuyên gia đi theo Chương trình học giả Fullbright tại Mỹ đến một tháng để cùng luyện cho sinh viên chiến lược thi, nội dung thi chứng chỉ hành nghề ở Mỹ.

Mục đích để khi sinh viên muốn tham dự một trong những cuộc thi chứng chỉ hành nghề khó nhất trên thế giới hiện nay thì đã được chuẩn bị từ trước và nếu qua được kỳ thi đó thì họ đủ sức chinh phục các kỳ thi khó hơn nữa hoặc khó tương đương như vậy ở các quốc gia trên thế giới....

                                                                                                                 Nguồn: suckhoedoisong.vn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết Website
Thống kê
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay3,931
  • Tháng hiện tại80,587
  • Tổng lượt truy cập2,954,329
Dịch vụ Tiêm chủng
Khử trùng, diệt côn trùng
Quan trắc môi trường lao động
Khám, Chữa bệnh Đa Khoa
Dịch vụ xét nghiệm
Kiểm dịch Y tế quốc tế
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây