Giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS
Thứ năm - 01/08/2024 20:53
Là huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn nhưng huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị luôn nỗ lực triển khai thực hiện tốt việc xã hội hóa cung cấp các phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/CSSKSS). Nhờ vậy, người dân dễ dàng tiếp cận, lựa chọn các PTTT, CSSKSS có chất lượng, đáp ứng nhu cầu KHHGĐ, cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em và xây dựng hạnh phúc gia đình, góp phần ổn định dân số.
Đakrông là huyện miền núi có tỉ suất sinh đang ở mức cao, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng gia tăng qua các năm, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chiếm 27,1% so với tổng dân số trong toàn huyện, trong đó số cặp vợ chồng đang sử dụng biện pháp tránh thai chiếm 63,2%. Xã hội hóa (XHH) cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS là xu thế tất yếu, được coi là một trong những giải pháp huy động sự đóng góp của xã hội, tăng đầu tư cho công tác dân số, để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác dân số trong tình hình mới.
Vì vậy, sau khi tiếp nhận các văn bản hướng dẫn và sản phẩm từ Chi cục Dân số tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Đakrông xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “XHH cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020” (gọi tắt là Đề án 818) theo giai đoạn và từng năm. Hướng dẫn, giao chỉ tiêu và lập kế hoạch phân phối cho các trạm y tế các xã, thị trấn. Trong đó, đội ngũ cán bộ dân số được giao nhiệm vụ tư vấn, cung ứng các sản phẩm trên địa bàn mình phụ trách.
Trưởng Phòng Dân số Trung tâm Y tế huyện Đakrông Trần Thị Khánh Ly cho biết: “Trước đây, người dân thực hiện chính sách KHHGĐ có nhu cầu về PTTT đều được cung cấp miễn phí. Tuy nhiên, hiện nay các đối tượng được cấp miễn phí PTTT thu hẹp theo quy định. Việc thực hiện XHH cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS trong công tác dân số sẽ đem lại nhiều lợi ích, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi của toàn xã hội.
Số cặp vợ chồng tự nguyện mua PTTT qua kênh XHH và tự chi trả chi phí dịch vụ KHHGĐ ngày càng đông, góp phần giải quyết khó khăn về ngân sách đầu tư cho công tác dân số trong bối cảnh nguồn lực đầu tư của trung ương qua Chương trình mục tiêu y tế - dân số đã cắt giảm và giao cho địa phương đảm bảo. Qua đó, tạo tính bền vững của công tác dân số và phát triển”.
Đến nay, toàn huyện có 13 xã, thị trấn của huyện tham gia cung ứng sản phẩm của Đề án 818. Phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế huyện và các xã, thị trấn đưa các nội dung hoạt động và giới thiệu các sản phẩm của đề án lên trang facebook của Phòng Dân số và trang facebook của trạm y tế hoặc các viên chức dân số xã.
Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động trực tiếp tại cộng đồng nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức tạo sự chuyển đổi hành vi cho các nhóm đối tượng thụ hưởng. Lồng ghép đưa các nội dung về lợi ích, ý nghĩa và sự cần thiết của XHH cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS vào hoạt động nói chuyện chuyên đề, tư vấn, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ của các chương trình, đề án. Tổ chức giới thiệu các sản phẩm của đề án nhân các đợt truyền thông sự kiện của ngành như: chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ, ngày Dân số Thế giới 11/7, ngày Dân số Việt Nam 26/12...
Sau gần 4 năm triển khai tại huyện Đakrông, Đề án 818 đã đạt được nhiều kết quả, góp phần cung cấp các sản phẩm, PTTT, dịch vụ KHHGĐ có chất lượng đến với người dân. Ngành y tế - dân số huyện giới thiệu và cung ứng các sản phẩm trong khuôn khổ đề án như: thuốc tiêm tránh thai Triclofem, gel bôi trơn Sensi Love, dung dịch vệ sinh Vagis, viên uống tránh thai Anna, bao cao su I love You... với tổng doanh số là hơn 140 triệu đồng.
Nhờ thực hiện tốt công tác XHH cung cấp PTTT, CSSKSS, hiện nay, số người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại trên địa bàn huyện ngày càng tăng, giúp phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, giảm tỉ lệ tảo hôn, góp phần giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số.
Chị Nguyễn Thị Kiều Nga, viên chức dân số phụ trách Đề án 818 tại Trung tâm Y tế huyện Đakrông chia sẻ: “Để có kết quả nói trên nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là sự đóng góp của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp. Đội ngũ cộng tác viên dân số khảo sát, thống kê, lập danh sách và phân loại đối tượng để trực tiếp giới thiệu, tuyên truyền, vận động, tư vấn và cung cấp các sản phẩm, PTTT cho đối tượng có nhu cầu sử dụng.
Bên cạnh đó, phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu về đề án thông qua các buổi sinh hoạt tại khu dân cư để thay đổi nhận thức từ “bao cấp, miễn phí” sang “mua, bán”, phù hợp với khả năng chi trả và điều kiện của người dân trên địa bàn”.
Bên cạnh thuận lợi, việc thực hiện Đề án 818 ở huyện còn gặp một số khó khăn nhất định như: nguồn cung cấp các sản phẩm chưa liên tục nên việc tuyên truyền, tư vấn và cung ứng sản phẩm cho người dân còn gặp một số khó khăn. Mặt khác, giá bán lẻ các mặt hàng XHH về KHHGĐ còn khá cao.
Công tác truyền thông, quảng bá trên thị trường chưa nhiều nên người tiêu dùng chưa biết đến và còn e ngại khi sử dụng sản phẩm. Bên cạnh đó, các kênh phân phối đề án còn nhiều hạn chế, hiện nay kênh phân phối chủ yếu do đội ngũ cộng tác viên dân số làm đầu mối... nên số lượng hàng cung ứng còn thấp.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông trên các kênh thông tin đại chúng và thông qua đội ngũ cán bộ dân số để người dân hiểu về sự cần thiết, lợi ích và hiệu quả của việc thực hiện XHH cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ, tạo sụ đồng tình ủng hộ của người dân.
Tăng cường sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể nhằm tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm các PTTT tới người dân, đặc biệt các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên sử dụng nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi từ việc được sử dụng PTTT miễn phí sang tự chi trả để bảo đảm sự công bằng xã hội, sự bền vững của chương trình dân số và phát triển”, chị Trần Thị Khánh Ly cho biết thêm.