Mùa hè, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh nhất. Nguồn mang mầm bệnh dại chủ yếu là chó, mèo nuôi và khi đã bị chó, mèo dại cắn mà không được điều trị dự phòng kịp thời là rất nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, người dân không được chủ quan và cần có các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh dại ở vật nuôi.
Không được chủ quan
Ở nước ta, tình trạng chăn nuôi chó, mèo thả rông diễn ra phổ biến. Nếu không được tiêm phòng bệnh dại, vật nuôi có thể nhiễm bệnh dại và lây bệnh sang cho người. Vi rút dại lây nhiễm qua nước bọt của chó, mèo khi chúng cắn, liếm vết thương của người. Khi vào cơ thể, vi rút dại theo hệ thần kinh tấn công lên não, phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại. Những trường hợp chủ quan không tiêm phòng cũng như theo dõi động vật sau khi cắn có nguy cơ cao sẽ phát dại, tỉ lệ tử vong là gần như 100%. Thời gian từ khi bị cắn đến khi phát bệnh dại ở người khoảng 40 ngày, ở chó khoảng 25 ngày.
Đề phòng bệnh dại trong mùa nắng nóng
Tại Quảng Trị, từ năm 2012 đến nay đã có 6 trường hợp tử vong do bệnh dại. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.200 - 1.500 người bị chó cắn buộc phải đi điều trị dự phòng. Đặc biệt, đầu năm 2023, ghi nhận 1 trường hợp bệnh nhân nam 35 tuổi, trú tại thôn Ra Lây, xã Ba Nang, huyện Đakrông tử vong do bị chó dại cắn.
Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nguyễn Thị Thúy Hằng cho hay: “Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là không ít người bị chó cắn chưa hiểu rõ tác hại của bệnh dại, tâm lý e ngại cho rằng việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế, họ đã tìm đến thầy lang, thầy gia truyền để chữa bệnh, khiến nguy cơ gia tăng bệnh dại ngày càng cao. Bên cạnh đó, nguyên nhân làm cho bệnh dại có nguy cơ bùng phát là người dân không chấp hành việc tiêm phòng dại cho đàn chó nuôi, tỉ lệ tiêm phòng quá thấp”.
Theo bà Hằng, đối với trường hợp người không may bị chó, mèo dại cắn, hoàn toàn có thể cứu chữa được nếu tiêm phòng vắc xin đúng và đủ.
Những năm qua, ngành thú y đã có nhiều cố gắng trong phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại. Tuy nhiên, người dân không tích cực hưởng ứng nên tỉ lệ chích ngừa bệnh dại đạt rất thấp, nhất là ở các huyện miền núi. Kết quả tiêm vắc xin dại cho đàn chó trên toàn tỉnh năm 2022 được 29.678 con/57.084 con tổng đàn. Trong đó, có những huyện tỉ lệ tiêm phòng thấp như: Gio Linh tỉ lệ tiêm phòng đạt 43,78%; Đakrông 31,4%; Hướng Hóa tiêm 6,47%...
Chủ động phòng, chống bệnh dại
Triệu Ái là một trong những xã tích cực trong công tác phòng, chống bệnh dại. Vào năm 2022, ghi nhận tại thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, Huyện Triệu Phong có 1 trường hợp bé gái 14 tuổi bị chó dưới 6 tháng tuổi của nhà nuôi cắn. Do chủ quan, nên em không được đưa đi tiêm vắc xin và không đến cơ sở y tế điều trị dự phòng. Sau đó, bé gái phát bệnh, được đưa vào bệnh viện với chuẩn đoán viêm não do vi rút dại và tử vong.
Phó chủ tịch UBND xã Triệu Ái Đặng Phương Anh nói: “Sau ca tử vong do bệnh dại vào năm trước, để chủ động phòng, chống bệnh dại lây lan, xã Triệu Ái đã triển khai những giải pháp cụ thể như: thống kê đàn chó nuôi trên địa bàn, giao trưởng thôn và các tổ chức thôn nắm tình hình dịch bệnh. Rà soát tổng đàn chó và đẩy mạnh tiêm phòng dại.
Đặc biệt, tỉ lệ tiêm vắc xin tại thôn Hà Xá đạt 100%. Trong năm nay, chỉ tiêu về tiêm phòng dại phải đạt trên 80%. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền đến người dân về tình hình dịch bệnh, để người dân hợp tác trong phòng chống, nhất là việc tiêm phòng và báo ngay khi chó bị bệnh”.
Trước những diễn biến và mức độ nguy hiểm của bệnh dại, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đào Văn An cho biết, để công tác phòng, chống bệnh dại đạt hiệu quả, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa người dân và chính quyền địa phương.
Đối với người dân, cần có trách nhiệm khi nuôi chó, mèo. Phải đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã thông qua trưởng thôn, khu phố, tổ dân phố. Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, không ảnh hưởng xấu đến người xung quanh. Chấp hành tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo theo quy định. Thường xuyên theo dõi, giám sát chó, mèo nuôi của gia đình, nếu phát hiện con vật vô cớ cắn người hoặc tấn công động vật khác thì phải cách ly và báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y gần nhất.
Đối với chính quyền địa phương, cần thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp. Tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo phải đạt tỉ lệ cao. Tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm bệnh dại ở động vật, củng cố hệ thống báo dịch nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật. Ban hành các văn bản yêu cầu chủ vật nuôi phải tổ chức quản lý vật nuôi theo quy định; yêu cầu phải xích, nhốt chó để hạn chế cắn người; khi đưa chó ra khỏi nhà cần phải được rọ mõm; chấp hành đầy đủ tiêm phòng vắc xin bệnh dại cho chó, mèo.
Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến từng cộng đồng dân cư, chính quyền các cấp và các tổ chức đoàn thể về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng, chống bệnh dại một cách có hiệu quả. Đặc biệt, để phòng, chống bệnh dại đạt hiệu quả cao trong mùa hè, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng như: Sở Y tế, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông, các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh.
“Hiện nay, đối với trường hợp chủ vật nuôi không thực hiện việc tiêm phòng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc thì bị xử phạt hành chính từ 1- 2 triệu đồng; từ 2 - 4 triệu đồng đối với tập thể”, ông An thông tin thêm.