Đã có 75.795 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 ca tử vong

Thứ năm - 07/09/2023 20:45
Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 75.795 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 số mắc sốt xuất huyết giảm 60,8%, tử vong giảm 82 trường hợp.
 
Theo thống kê, trong tuần 35 cả nước ghi nhận 4.375 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 trường hợp tử vong tại Đắk Lắk. So với tuần trước (4.778/2) số mắc giảm 8,4%. Trong đó, số nhập viện là 3.341/1, so với tuần trước (3.658/2) số nhập viện giảm 8,7%.

Như vậy, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 75.795 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (193.434/100) số mắc sốt xuất huyết giảm 60,8%, tử vong giảm 82 trường hợp.

Theo "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue" do Bộ Y tế vừa ban hành được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước, bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
 
sot xuat huyet dengue 1689649460414801738464
Dự báo thời gian tới, do đang vào cao điểm mùa mưa nên số mắc sốt xuất huyết tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.

Thống kê tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm 2023 đến nay có 133 trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết, đặc biệt từ đầu tháng 8/2023 đến nay đã có khoảng 100 trẻ nhập viện, trong đó nhiều trẻ có dấu hiệu cảnh báo và may mắn đã được điều trị kịp thời.

 Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiếp nhận một bé gái sơ sinh, 7 ngày tuổi mắc sốt xuất huyết, cân nặng lúc sinh 2.500gram và không có bất thường sau sinh. Theo BS Trần Duy Mạnh, người điều trị trực tiếp cho bệnh nhi, sốt xuất huyết là một bệnh phổ biến ở các nước nhiệt đới, tuy nhiên, sốt xuất huyết Dengue ở trẻ sơ sinh rất ít gặp. Biểu hiện lâm sàng của sốt xuất huyết ở bệnh nhi không điển hình, có thể dẫn đến chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác, theo dõi và điều trị không hợp lý có thể dẫn đến các biến chứng nặng, thậm chí tử vong.

Cũng theo Cục Y tế dự phòng, số mắc sốt xuất huyết trong 8 tháng đầu năm 2023 giảm tại 3 khu vực (Khu vực miền Nam giảm 71%, khu vực miền Trung giảm 44,3%, khu vực Tây Nguyên giảm 34%), riêng khu vực miền Bắc tăng 125,2%, đặc biệt tại Hà Nội tăng 5,3 lần.

Tuýp virus sốt xuất huyết lưu hành năm 2023 chủ yếu là D1, D2 và không có sự khác biệt với các tuýp virus lưu hành những năm gần đây.

Tuy nhiên Cục Y tế dự phòng cho hay, Việt Nam thuộc khu vực Đông Nam Á trong đó nhiều quốc gia hiện ghi nhận số mắc và tử vong tăng cao trong năm 2023. Số mắc tại Việt Nam tăng bắt đầu từ tuần 26 (tháng 6) đến nay tương đồng với sự gia tăng số mắc sốt xuất huyết trong nhiều năm qua.

Dự báo thời gian tới, do đang vào cao điểm mùa mưa nên số mắc sốt xuất huyết tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các địa phương.

Trong tuần qua, Bộ Y tế đã liên tục có 2 văn bản gửi các địa phương về việc tăng cường công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, trong đó Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành tiếp tục chỉ đạo địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; cùng đó chỉ đạo các cơ sở y tế dự phòng đảm bảo đủ nhu cầu về hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là hóa chất phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và máy phun hóa chất để thực hiện công tác xử lý ổ dịch trên địa bàn triệt để, hiệu quả.

Bộ Y tế cũng cho hay, hiện tại các loại hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế trên thị trường đáp ứng được nhu cầu về phòng, chống dịch. Danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế được Bộ Y tế cấp phép đã được đăng tải, cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Môi trường y tế.

Đồng thời Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài công lập đảm bảo sẵn sàng thiết bị, thuốc, đặc biệt là dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong.

                                                                                                              Nguồn: suckhoedoisong.vn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Dịch vụ Tiêm chủng
Khử trùng, diệt côn trùng
Quan trắc môi trường lao động
Khám, Chữa bệnh Đa Khoa
Dịch vụ xét nghiệm
Kiểm dịch Y tế quốc tế
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây