Chủ động lựa chọn biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả
Thứ ba - 26/09/2023 20:53
Hưởng ứng ngày Tránh thai Thế giới 26/9, tỉnh Quảng Trị có nhiều hoạt động truyền thông thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là người trong độ tuổi sinh đẻ. Qua đó, giúp họ lựa chọn các biện pháp tránh thai phù hợp, an toàn cho sức khỏe tình dục và sinh sản, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
Ngày Tránh thai Thế giới 26/9 là chiến dịch toàn cầu khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích mọi người đều có thể chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.
Mục tiêu của chiến dịch nhằm cải thiện nhận thức và thay đổi hành vi của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội, đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về các biện pháp tránh thai để giúp họ có sự lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện nay có tới 30% phụ nữ độ tuổi từ 15 - 24 chưa được đáp ứng nhu cầu về các biện pháp tránh thai hiện đại. Tình trạng phá thai còn khá phổ biến; tỉ lệ vô sinh đang có chiều hướng gia tăng.
Tại Quảng Trị, mức giảm sinh chưa bền vững, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao và chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Trước tình hình đó, ngành y tế - dân số tỉnh có nhiều nỗ lực để giải quyết những hạn chế, thách thức.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, bác sĩ Nguyễn Hương Chương cho biết: “Để thực hiện tốt các chỉ tiêu, kế hoạch của công tác dân số-KHHGĐ, trong đó có chỉ tiêu sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tham mưu UBND tỉnh đưa các chỉ tiêu về điều chỉnh mức sinh như: dân số trung bình, tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên vào chỉ tiêu phát triển KTXH của địa phương để chỉ đạo thực hiện; tham mưu Sở Y tế ban hành quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch hoạt động chuyên môn, trong đó có chỉ tiêu mức giảm tỉ suất sinh, giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên, số cặp vợ chồng mới sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, chỉ tiêu về việc phát động xây dựng mô hình thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên.
Tăng cường hoạt động cung cấp thông tin cho cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể như: phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị chuyên đề cung cấp chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân số trong tình hình mới, các nội dung thực hiện chương trình điều chỉnh mức sinh theo Quyết định số 588/QĐ-TTg, ngày 28/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ”.
Theo số liệu báo cáo công tác dân số 9 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ tại 55 xã thuộc địa bàn chiến dịch. Cung ứng kịp thời, đầy đủ phương tiện tránh thai cho đối tượng miễn phí theo quy định. Duy trì hoạt động hệ thống thông tin quản lý hậu cần phương tiện tránh thai tuyến tỉnh, tuyến huyện và thực hiện bảo quản vận chuyển phương tiện tránh thai và thông tin báo cáo kịp thời theo quy định. Mở rộng mạng lưới cung cấp phương tiện tránh thai qua kênh xã hội hóa.
Thực hiện miễn phí chi phí dịch vụ KHHGĐ cho đối tượng theo quy định của Nghị quyết 45/2020/NQ-HĐND tỉnh; vận động các nhóm đối tượng khác tự nguyện áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại và tự chi trả chi phí theo giá dịch vụ của cơ sở y tế. Hưởng ứng ngày Tránh thai Thế giới, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với các trường THCS và THPT trên địa bàn huyện Triệu Phong, Cam Lộ tổ chức hoạt động truyền thông nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên cho học sinh.
Đồng thời, Tổng cục Dân số - KHHGĐ tổ chức, phát động Cuộc thi “Chủ động tránh thai - Chủ động tương lai” trên nền tảng mạng xã hội, từ ngày 12/9 đến hết ngày 12/10/2023.
Cuộc thi được phát động nhằm kêu gọi các cá nhân, cặp vợ chồng, đặc biệt các bạn trẻ nâng cao ý thức, hành động đúng để tránh có thai ngoài ý muốn. Qua đó, tăng cường các hoạt động truyền thông sáng tạo trên nền tảng công nghệ số, để phát huy tính hiệu quả trong công tác truyền thông về DS - KHHGĐ và góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả...
Nhờ thực hiện tốt và hiệu quả chương trình điều chỉnh mức sinh, số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại trên địa bàn tỉnh là 31.112 cặp, đạt 94,3% so với kế hoạch năm, trong đó biện pháp tránh thai dài hạn đạt 71,2% và biện pháp tránh thai ngắn hạn đạt 101,7%. Đến nay, đã có 55 thôn duy trì từ 1 năm trở lên không có người sinh con thứ 3 trở lên.
Chị Hồ Thị Tuyết, viên chức dân số xã Linh Trường, huyện Gio Linh chia sẻ: “Việc phòng tránh thai sẽ giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ của mình như: chủ động thời gian sinh, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra. Đồng thời, tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ngoài ra, phòng tránh thai giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, giúp mỗi gia đình có thực hiện mô hình ít con. Từ đó, có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn, nâng cao được đời sống, kinh tế gia đình, phụ nữ được đảm bảo sức khỏe và chủ động cuộc sống của mình hơn”.
“Hưởng ứng ngày Tránh thai Thế giới năm 2023 với chủ đề “Hãy lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để tránh mang thai ngoài ý muốn”, ngành y tế - dân số tỉnh tiếp tục đảm bảo việc cung cấp các phương tiện tránh thai, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, sức khỏe tình dục cho mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai cho mọi đối tượng có nhu cầu. Tuy nhiên, tránh thai là quyền lợi và trách nhiệm của cả vợ và chồng, do đó nam giới cần chia sẻ với vợ trong việc sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn để giảm áp lực cho vợ và giữ gìn hạnh phúc gia đình”, bác sĩ Nguyễn Hương Chương cho biết thêm.