Trung Quốc chính thức mở cửa trở lại
Thứ ba - 27/12/2022 20:56
Tờ South China Morning Post đưa tin, Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc (NHC) đã tuyên bố chính thức hủy bỏ các biện pháp hạn chế đối với người nhập cảnh vào nước này, cũng như ấn định thời gian mở cửa trở lại biên giới. Động thái này được coi là một trong những bước cuối cùng trong quá trình chuyển đổi chiến lược chống dịch của Trung Quốc từ 'Zero Covid-19' sang thích ứng với đại dịch.
Theo thông báo mới nhất từ NHC, dịch Covid-19 sẽ được hạ từ bệnh nhóm A (nhóm cao nhất) xuống nhóm B (ít nghiêm trọng hơn) vì căn bệnh này có xu hướng trở thành một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thông thường. Điều này đồng nghĩa các lực lượng y tế và ngành quản lý chỉ áp dụng các "biện pháp điều trị cần thiết và hạn chế sự lây nhiễm”.
Các quy định nhập cảnh được dỡ bỏ
Trong suốt gần 3 năm áp dụng chính sách “Zero Covid-19”, Trung Quốc đã thực hiện các chính sách nghiêm ngặt từ đóng cửa biên giới đến phong tỏa thường xuyên, và điều này đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc. Đầu tháng này, Bắc Kinh đã quyết định dỡ bỏ gần như tất cả các biện pháp hạn chế trong nước sau khi số ca bệnh gia tăng, nhưng các yêu cầu nghiêm ngặt đối với người nhập cảnh hiện vẫn đang được áp dụng, bao gồm 5 ngày cách ly tập trung và 3 ngày cách ly tại nhà. Song, mới đây quy định này cùng một số hạn chế về số lượng hành khách trên các chuyến bay quốc tế sẽ được dỡ bỏ từ ngày 8.1.2023. Khách nhập cảnh sẽ không phải cách ly nhưng vẫn sẽ phải xét nghiệm PCR 48 giờ trước khi khởi hành.
Cơ quan này cho biết các biện pháp sắp xếp cho người nước ngoài đến Trung Quốc, chẳng hạn với mục đích làm việc hoặc kinh doanh sẽ được cải thiện và việc cấp thị thực cũng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi. Trung Quốc khẳng định tiếp tục tối ưu hóa các biện pháp tạo thuận lợi về thị thực cho người nước ngoài đến Trung Quốc làm việc, đầu tư, kinh doanh, học tập, thăm thân, đoàn tụ...; từng bước khôi phục việc xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu đường bộ, đường thủy; căn cứ tình hình dịch bệnh trên thế giới và khả năng bảo đảm dịch vụ, khôi phục các hoạt động du lịch nước ngoài của công dân Trung Quốc.
Kể từ đầu năm 2020, Trung Quốc đã phân loại Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B nhưng xử lý nó theo các giao thức của bệnh nhóm A (tương tự các bệnh như dịch hạch và tả), trao cho chính quyền địa phương quyền cách ly bệnh nhân và những người tiếp xúc gần cũng như phong tỏa các khu vực. Trong thời gian tới, tuy Covid-19 được hạ cấp, nhưng NHC sẽ tăng cường quy trình kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tại các cơ sở như viện dưỡng lão. Nếu một đợt bùng phát trở nên nghiêm trọng, các cơ sở này sẽ áp dụng biện pháp ''quản lý khép kín'' để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Theo Reuters, hôm 25.12, NHC đã bất ngờ thông báo sẽ ngừng công bố dữ liệu ca bệnh Covid-19 hằng ngày. Thay vào đó, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) sẽ công bố thông tin liên quan đến dịch bệnh để người dân nghiên cứu và tham khảo. Trung Quốc là quốc gia lớn cuối cùng kiên trì hướng tới coi Covid-19 là dịch bệnh đặc hữu. Các biện pháp phòng dịch của nước này đã khiến cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xuống mức tăng trưởng thấp nhất trong gần nửa thế kỷ, ảnh hưởng nặng nề tới chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu.
Động thái trên đánh dấu việc quốc gia đông dân nhất thế giới đã dỡ bỏ các hạn chế phòng, chống dịch Covid-19 sau gần 3 năm kiên trì chính sách ''Zero Covid-19'' để mở cửa trở lại hoàn toàn với thế giới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các hoạt động đi lại, giao thương, trao đổi con người và hàng hóa giữa Trung Quốc và thế giới sẽ sớm được khôi phục trở lại như trước khi bùng phát đại dịch Covid-19.
Thách thức trước mắt
Bên cạnh những tín hiệu tích cực về việc Trung Quốc dần mở cửa với thế giới, thì quốc gia này sẽ phải đối mặt với những thách thức như làn sóng dịch bệnh gia tăng, và nỗ lực tăng tỷ lệ tiêm chủng vaccine. Những quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc phải đối mặt với làn sóng dịch chưa từng có. Toàn bộ khoa cấp cứu và đội ngũ xe cứu thương tại Thượng Hải đang hoạt động hết công suất để đối phó với số ca bệnh tăng cao. Lượt xe cấp cứu Thượng Hải đã được cử đi gấp 4 lần tổng số xe cấp cứu của toàn thành phố. Giới chức y tế Thượng Hải đã phải đề nghị người dân tiết kiệm nguồn lực y tế để phục vụ người cao tuổi và những người mắc bệnh nặng.
Hiện nay tại các bệnh viện, các bác sĩ và y tá đã phải liên tục tăng ca và công việc tăng gấp đôi những ngày gần đây. Họ đã làm hết sức có thể để bảo đảm các phòng khám sốt, khoa truyền nhiễm và khoa cấp cứu hoạt động bình thường. Trong khi đó, việc lây nhiễm chéo là khó tránh khỏi, hơn 60% đội ngũ y tế đã nhiễm virus. Số ca bệnh gia tăng không phải là vấn đề của riêng Thượng Hải. Chính quyền tỉnh Chiết Giang cho biết, họ đang phải đối phó với khoảng một triệu ca bệnh, và con số này có thể tăng gấp đôi trong những ngày tới. Giới chức thành phố Thanh Đảo, Sơn Đông ước tính hơn 500.000 cư dân thành phố mắc virus mỗi ngày. Trong khi đó, tại tỉnh Giang Tây, giới chức y tế ước tính số ca bệnh sẽ đạt đỉnh vào đầu tháng 1.2023, khoảng 80% dân số của tỉnh có thể nhiễm virus.
Một thách thức khác mà Trung Quốc đang phải đối mặt là nỗ lực tăng tỷ lệ tiêm chủng vaccine, đặc biệt đối với những người cao tuổi. Đây chắc chắn không phải một mục tiêu dễ dàng, vì hiện nay vẫn còn nhiều người dân chần chừ khi quyết định tiêm hay không. Nguyên nhân tâm lý lo ngại về nguy cơ bị sốt, xuất hiện cục máu đông và các biến chứng khác. Theo số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, dù hơn 90% dân số nước này đã tiêm vaccine, tỷ lệ tiêm chủng trong số những người trên 80 tuổi chỉ là khoảng 2/3.
Các khu dân cư tại Trung Quốc đã nhận được chỉ thị phải theo dõi sức khỏe của những người trên 65 tuổi. Họ cũng được yêu cầu làm “công tác tư tưởng” để thuyết phục người cao tuổi đi tiêm. Một khu phố tại Bắc Kinh đã hứa tặng mỗi người chịu tiêm đủ ba mũi 500 nhân dân tệ (khoảng 70 USD). Hôm 24.12, NHC thông báo số người đi tiêm vaccine mỗi ngày tại nước này đã tăng lên 3,5 triệu người, tuy nhiên, con số này vẫn còn khá nhỏ so với mức khoảng chục triệu liều vaccine mỗi ngày đầu năm 2021.
Nguồn: daibieunhandan.vn