Lãnh đạo Bộ Y tế chủ trì họp công tác phòng chống dịch COVID-19
Thứ hai - 17/04/2023 20:44
Chiều 17/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã chủ trì cuộc họp nghe các đơn vị chuyên môn báo cáo về công tác phòng chống dịch COVID-19. Cùng dự họp có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và lãnh đạo các vụ/cục/văn phòng/viện/ bệnh viện.
Omicron vẫn là biến thể phổ biến, chiếm ưu thế
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân cho biết, theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), biến thể Omicron đang lưu hành chủ yếu trên thế giới với một số biến thể phụ như BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBB, XBB.1.16, XBB.1.9.1, XBB.1.5, XBF. Trong đó biến thể phụ XBB.1.5 đã phát hiện tại 95 quốc gia.
"Đến thời điểm này, biến thể Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này hiện đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế"- Cục trưởng Phan Trọng Lân khẳng định.
Lãnh đạo Bộ Y tế chủ trì họp công tác phòng chống dịch COVID-19
Tại Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 2.070 ca mắc COVID-19, trung bình 160 ca mắc mỗi tuần, tỷ lệ bệnh nặng/mắc là 1,3%. Tuy nhiên từ đầu tháng 4/2023 đến nay, số mắc có chiều hướng gia tăng. Từ ngày 1/4 - 7/4 có 278 ca/ tuần, tỷ lệ nặng/mắc là 1,4%; từ 8/4 -14/4 tăng lên 2.000 ca, tuy nhiên tỷ lệ nặng/mắc là 1,1%. Cả nước đã qua 108 ngày không ghi nhận ca tử vong do COVID-19.
Về công tác giải trình tự gen, đến nay, qua kết quả giám sát giải trình tự gen cho thấy, các biến thể phụ phổ biến trên thế giới đều đã ghi nhận tại Việt Nam.
Liên quan đến công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, thông tin tại cuộc họp cho biết, Viện Vệ sinh dịch tễ TW vừa cấp thêm cho Hà Nội 10.000 liều vaccine để tiêm chủng cho các đối tượng theo hướng dẫn.
Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương tổng hợp nhu cầu vaccine phòng COVID-19 để tiêm 6 tháng cuối năm 2023, đặc biệt cho đối tượng nguy cơ.
Các bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng đều có bệnh nền, cao tuổi Về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa nêu rõ: Cục đang phối hợp với các chuyên gia để rà soát lại hướng dẫn điều trị COVID-19; trong tuần này dự kiến họp Hội đồng chuyên môn để rà soát, cập nhật lại hướng dẫn điều trị phù hợp với tình hình mới.
Về công tác sàng lọc tại bệnh viện, theo ông Khoa, hiện vẫn duy trì chủ trương sàng lọc tại các khoa nguy cơ cao như hồi sức tích cực, lọc máu và hậu phẫu. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng COVID-19, cần xét nghiệm sàng lọc ngay để tách bệnh nhân ra khu vực riêng, tránh lây lan dịch bệnh.
Cùng đó, các bệnh viện cần tiếp tục truyền thông, nhắc nhớ người bệnh, người nhà bệnh nhân và cả nhân viên y tế đều phải duy trì đeo khẩu trang trong môi trường bệnh viện.
Lãnh đạo Bộ Y tế chủ trì họp công tác phòng chống dịch COVID-19
Cũng về công tác điều trị, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW Nguyễn Thanh Hà cho biết, thời điểm tháng 1/2023, bệnh viện chỉ tiếp nhận điều trị 20 ca, tháng 2 là 21 ca, tháng 3 tăng lên 45 ca, nhưng từ tháng 4 đã tăng lên. Cụ thể, tuần đầu tiên là 47 ca, tuần 2 tăng lên 85 ca và cập nhật đến cuối chiều nay, bệnh viện đang tiếp nhận điều trị 146 ca, trong đó có 21 ca có dấu hiệu chuyển nặng.
Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW cho biết thêm, hiện trong số 21 bệnh nhân này hầu hết trên 70 tuổi; đa phần có bệnh nền kèm theo như tiểu đường, huyết áp, lao, HIV, COPD, viêm gan, xơ gan… nếu không mắc COVID-19, chỉ nhiễm cúm cũng nguy cơ cao.
Ông Nguyễn Thanh Hà cũng nêu rõ: Bệnh viện đã thành lập đường dây nóng tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới để phân tầng, chuyển bệnh nhân phù hợp và tránh quá tải cho tuyến trên.
Tại cuộc họp qua nghe báo cáo và ý kiến thảo luận của các đại biểu, về công tác điều trị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan yêu cầu sớm họp hội đồng chuyên môn, rà soát, cập nhật lại về hướng dẫn điều trị, tổ chức phổ biến.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan giao các vụ/cục/ viện/ bệnh viện/ văn phòng theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát lại các nội dung về cấp phép, mua sắm, tiếp nhận tài trợ, phân bổ, điều chuyển trang thiết bị, thuốc, vaccine… để chủ động trong công tác phòng chống dịch.
Cùng đó, đẩy mạnh tuyên truyền thông điệp về phòng chống dịch COVID-19 để người dân tuân thủ 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác...