Tăng cường phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em
Thứ hai - 03/07/2023 20:34
Ngày nay, tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng. Đây là vấn đề y tế công cộng đáng quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước đang phát triển. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi của người dân, người chăm sóc trẻ là việc làm hết sức cấp bách, thiết thực nhằm hạn chế thấp nhất các vụ TNTT thương tâm xảy ra.
Bước vào kỳ nghỉ hè, học sinh được nghỉ học, tự do vui chơi thỏa thích sau một năm học căng thẳng. Đây cũng chính là thời điểm khiến các bậc phụ huynh lo lắng đối với sự an toàn của con em mình.
Hiện nay, TNTT ở trẻ ngày càng phức tạp và có xu hướng gia tăng, là một trong những nguy cơ hàng đầu ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tâm sinh lý của trẻ, thậm chí dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, một số trường hợp bị thương tật vĩnh viễn, phải điều trị, chăm sóc lâu dài và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 5 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 1.462 ca TNTT, trong đó có 236 ca ở trẻ em, làm 8 trẻ tử vong, chủ yếu tập trung vào tai nạn giao thông, đuối nước.
Công tác phòng chống TNTT ở trẻ trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của các cấp, ngành, cộng đồng được nâng lên đáng kể và số vụ giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta lơ là, chủ quan bởi nguy cơ dẫn đến TNTT luôn rình rập và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu do học sinh ở độ tuổi rất hiếu động và khả năng bảo vệ bản thân còn hạn chế.
Cùng với đó, Quảng Trị là tỉnh có bờ biển trải dài với nhiều bãi tắm, hệ thống sông ngòi, ao hồ chằng chịt, nhiều nơi nước sâu nguy hiểm nhưng chưa có biển báo, rào chắn. Một số đơn vị thi công các công trình còn bất cẩn, thiếu trách nhiệm khi không làm hàng rào, biển cảnh báo. Hàng năm trên địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai lũ lụt…
Đặc biệt, nhiều phụ huynh chưa chú trọng đến công tác phòng, chống TNTT cho trẻ em cũng như trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, tránh, xử lý các tình huống khi tai nạn xảy ra.
Các mô hình phòng, chống TNTT, dạy bơi chưa nhiều và thiếu sân chơi cho trẻ, nhất là trẻ em ở vùng nông thôn. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ TNTT đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua.
Để hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị TNTT, đặc biệt tử vong do đuối nước trong thời gian nghỉ hè, ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực, chủ động tham mưu, phối hợp với chính quyền, ban, ngành, đoàn thể thực hiện các giải pháp phòng ngừa phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương.
Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống TNTT và đuối nước cho trẻ em.
Song song với đó, các đơn vị cần nâng cao năng lực cho nhân viên y tế, sẵn sàng chăm sóc chấn thương thiết yếu tại cơ sở theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo sơ cứu, cấp cứu kịp thời các trường hợp TNTT trẻ em.
Tăng cường tập huấn cộng tác viên sơ cứu, cấp cứu TNTT tại cộng đồng như nhân viên y tế thôn bản, tình nguyện viên, đảm bảo việc sơ cứu kịp thời các trường hợp bị tai nạn giao thông, súc vật cắn, điện giật, bỏng và đặc biệt xử trí khi trẻ bị đuối nước.
Đẩy mạnh thông tin giáo dục truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống TNTT, nhất là về nguy cơ và các biện pháp phòng chống đuối nước ở trẻ em…
TNTT luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào đối với trẻ em. Vì vậy, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình và nhà trường nhằm xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ.
Đây cũng chính là nội dung quan trọng trong chương trình hành động vì trẻ em của tỉnh Quảng Trị thời gian qua nhằm tiến tới xã hội hóa công tác phòng chống TNTT.