Thời gian qua, Công đoàn ngành Y tế Quảng Trị đã thực hiện tốt các chế độ, chính sách liên quan tới nữ đoàn viên, người lao động của ngành. Qua đó góp phần chăm lo, động viên, tạo động lực giúp các đoàn viên, người lao động nữ phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Hiện toàn ngành y tế có 3.440 cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, lao động (CCVCLĐ), trong đó nữ 2.360 người, chiếm tỉ lệ 68,6%. Đội ngũ CCVCLĐ ngành y tế phải hoạt động trên nhiều lĩnh vực như khám chữa bệnh, phòng chống dịch và thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, phòng chống các bệnh xã hội. Do tính chất đặc thù của công việc nên nữ CCVCLĐ ngành y tế chịu không ít áp lực, nhất là phải hoạt động trong nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau và công tác ở các vùng miền xa xôi.
Trạm Y tế xã Ba Lòng, huyện Đakrông có 5 nữ CCVCLĐ. Là địa bàn miền núi, hay bị chia cắt mỗi khi thiên tai nên công việc của nữ cán bộ, viên chức đơn vị gặp khó khăn trong đi lại, cứu hộ cứu nạn và phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường. Đảm nhận trách nhiệm Trưởng Trạm y tế xã Ba Lòng, chị Trần Thủy thấu hiểu khó khăn, vất vả đó của chị em, từ đó quan tâm bố trí công việc phù hợp. ”Tùy vào chức năng, nhiệm vụ để bố trí công việc tại trạm, tuy nhiên khi bố trí phải ưu tiên nữ làm các công việc nhẹ nhàng hơn và ở những thôn gần, ít bị chia cắt”, chị Thủy cho biết.
Không riêng Trạm Y tế xã Ba Lòng mà ở nhiều đơn vị khác, lãnh đạo luôn đưa ra phương châm tạo điều kiện tốt nhất để lao động nữ trong ngành vượt qua áp lực công việc và hoàn cảnh để hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn ngành y tế đã chủ động tham mưu đề xuất sửa đổi và tổ chức thực hiện pháp luật, chế độ chính sách có liên quan trực tiếp đến lao động nữ và trẻ em. Tập trung hướng dẫn lao động nữ ký hợp đồng lao động theo đúng quy định pháp luật, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể và những nội dung có lợi hơn quy định của pháp luật cho lao động nữ. Đây là một trong những biện pháp thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của lao động nữ tại doanh nghiệp.
Việc phối hợp kiểm tra thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ về vấn đề việc làm, hợp đồng lao động, tiền lương, nâng lương, thi tay nghề, nâng bậc, các chế độ quy định riêng đối với lao động nữ... cũng được chú trọng. Qua kiểm tra cho thấy, với các cơ quan hành chính, sự nghiệp thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người lao động, một số doanh nghiệp thực hiện chế độ ưu đãi đối với lao động nữ.
Trên 90% doanh nghiệp đã cấp phát dụng cụ bảo hộ lao động, nhiều doanh nghiệp được đầu tư xây dựng, trang bị công nghệ mới, từng bước khắc phục yếu tố độc hại như tiếng ồn, bụi, nóng đảm bảo an toàn vệ sinh cho người lao động.
Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp ngoài nhà nước ký kết hợp đồng lao động không cụ thể, thiếu nội dung; ký kết thỏa ước lao động tập thể còn thiếu những điều khoản có lợi hơn so với quy định của pháp luật.
Qua kiểm tra, các cấp công đoàn đã kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước, các ngành chức năng có thẩm quyền phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm chế độ chính sách đã được pháp luật quy định đối với người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng.
Đối với trường hợp nữ CCVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, công đoàn ngành y tế cũng đã kịp thời hỗ trợ, thăm hỏi, động viên từ các nguồn quỹ do công đoàn các cấp phát động như quỹ “Mái ấm Công đoàn”, “Công đoàn cơ sở hỗ trợ”... Phong trào “Nuôi heo đất - Trao yêu thương” được Công đoàn ngành Y tế phát động từ tháng 3/2022 đến nay, đã thu hút sự tham gia tích cực của nữ đoàn viên, CCVCLĐ.
Những chú heo đất đã mang lại số tiền tiết kiệm từ 250 - 300 triệu đồng/năm, được CĐCS hỗ trợ cho nữ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, với những hình thức phong phú như: trao sổ tiết kiệm, hỗ trợ trực tiếp cho nữ đoàn viên khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo.
Cũng từ nguồn quỹ này, các công đoàn cơ sở đã hỗ trợ vốn phát triển kinh tế gia đình cho nữ đoàn viên, CCVCLĐ theo hình thức quay vòng, đỡ đầu cho con đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập. “Ngay từ khi phát động, phong trào “Nuôi heo đất - Trao yêu thương” đã thu hút đông đảo đoàn viên công đoàn tham gia.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổng kết đánh giá và nhân rộng, lan tỏa những cách làm hay, sáng tạo trong các cấp công đoàn của ngành để việc triển khai thực hiện mô hình hiệu quả hơn.
Mục đích của việc làm này nhằm góp phần hỗ trợ đoàn viên và con em đoàn viên khó khăn, tạo thêm động lực để đoàn viên, người lao động yên tâm công tác và gắn bó với đơn vị”, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Nguyễn Thị Minh Tuyết cho biết.
Trong 10 năm qua, Công đoàn ngành Y tế đã thăm hỏi, trợ cấp cho 320 lượt gia đình nữ CCVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo với số tiền trên 500 triệu đồng; hỗ trợ 30 nữ CCVCLĐ sửa chữa và xây dựng nhà mới bằng nguồn quỹ “Mái ấm Công đoàn” với số tiền hơn 1 tỉ đồng.
Nhờ được quan tâm, tạo điều kiện nên đa phần nữ CCVCLĐ ngành y tế yên tâm với công việc, nỗ lực phấn đấu để góp phần xây dựng ngành ngày càng vững mạnh.
Trong nhiều năm qua, nữ CCVCLĐ ngành y tế đã tham gia nghiên cứu khoa học với 675 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 359 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng; 19 đề tài, sáng kiến đạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh và Bộ Y tế. Hằng năm có trên 190 nữ CCVCLĐ ngành y tế tỉnh được các cấp khen thưởng.