Hiện nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang chuyển qua thời điểm giao mùa đông - xuân, tạo ra sự thay đổi lớn về môi trường, nhiệt độ và độ ẩm. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát sinh, phát triển, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở người nếu không có biện pháp phòng tránh đúng cách.
Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh trên thế giới cũng như trong nước diễn biến phức tạp, dịch bệnh đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào nước ta; một số bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, bạch hầu... vẫn có nguy cơ bùng phát rất cao.
Cùng với đó, thời tiết trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bắt đầu bước vào mùa đông - xuân, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi thất thường khiến người già, trẻ em, phụ nữ mang thai... không thích nghi kịp sẽ dễ bị mắc bệnh.
Mặt khác, điều kiện môi trường trong khoảng thời gian này rất thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường, vì vậy làm tăng nguy cơ gây bệnh ở người và lây lan trong cộng đồng, nhất là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, tiêu chảy...
Với những người mắc các bệnh mãn tính, đây cũng chính là thời gian bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp nặng hơn. Do đó, ở thời điểm này, công tác phòng chống dịch bệnh rất quan trọng.
Để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân có hiệu quả, thời gian qua, ngành y tế đã triển khai quyết liệt công tác theo dõi, nắm bắt và tăng cường các hoạt động giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, nhất là khu vực cửa khẩu, biên giới. Tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm trong các cơ sở y tế, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong ở người do dịch bệnh.
Đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, chiến dịch tiêm phòng vắc - xin sởi - rubella. Tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền giáo dục sức khỏe, đăng tải, phát sóng các tin, bài để khuyến cáo người dân về những biện pháp phòng tránh dịch bệnh thường gặp trong mùa đông - xuân, qua đó tạo cho mọi người ý thức tự phòng bệnh và tự giác, chủ động tham gia phòng chống dịch bệnh khi có sự cố xảy ra.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch bệnh còn gặp không ít khó khăn do một số bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh; một bộ phận người dân chưa hợp tác với chính quyền, ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, không ít người dân chưa chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ lăng quăng, bọ gậy hay đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi theo hướng dẫn của ngành y tế.
Theo dự báo của các chuyên gia, trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, tình hình dịch bệnh có nguy cơ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, các bệnh mới nổi và nguy hiểm trên thế giới có khả năng xâm nhập vào nước ta, các bệnh dịch lưu hành trong nước có thể ghi nhận số mắc gia tăng do thay đổi thời tiết. Đặc biệt, việc gia tăng giao lưu, đi lại trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn - 2024 và mùa lễ hội của người dân là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông - xuân, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như: tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch; giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh.
Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm...
Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất dinh dưỡng; chú ý đến vệ sinh cá nhân, môi trường nơi mình sinh sống. Khi có các dấu hiệu bị bệnh thì cần thông báo hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.