Nguy cơ gia tăng bệnh hen phế quản khi trời rét

Thứ năm - 14/12/2023 08:58
Ghi nhận tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh trong những ngày gần đây cho thấy có sự gia tăng đáng kể số lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý về hô hấp. Trong số đó, chiếm một tỉ lệ không nhỏ là những bệnh nhân mắc hen phế quản phải đến khám và nhập viện điều trị vì bệnh tái phát hoặc trở nặng do gặp trời rét.
 
114d5133751t5309l5 anh hen
Bệnh nhân mắc hen phế quản dễ trở nặng khi gặp trời rét -Ảnh: P.T

Ông Trần Văn Triều ở xã Gio Hải, huyện Gio Linh, là một trong số những bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Nội A1, Bệnh viện Chuyên khoa Lao và bệnh Phổi tỉnh Quảng Trị. Tình trạng sức khỏe hiện tại của ông đã cải thiện hơn trước nhiều nhưng vẫn rất mệt, khó thở. Bình thường, sức khỏe của ông vốn không tốt lại phải thường xuyên lao động nặng nên kiệt sức, gặp mấy hôm nay trời trở rét nên bệnh tình của ông nặng hơn.

“Bệnh nhân Trần Văn Triều do mắc cùng lúc bệnh hen phế quản và phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) nên tình trạng phức tạp. Qua thời gian điều trị tích cực tại bệnh viện, bệnh nhân đã phục hồi rất tốt, chuẩn bị xuất viện thì sốt đột ngột.

Do thời tiết chuyển lạnh khiến bệnh nhân lên cơn hen cấp, bệnh tái phát nặng hơn nên phải điều trị dài ngày”, bác sĩ Phạm Thị Hằng, Trưởng Khoa Nội A1, Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh Phổi tỉnh Quảng Trị cho biết.

Ông Triều được các bác sĩ khuyên sau khi lành bệnh về nhà phải nghỉ ngơi nhiều, chỉ làm những việc nhẹ nhàng, không được gắng sức, chú ý ăn uống, bồi dưỡng thêm để nhanh phục hồi. Đặc biệt, với những người bị bệnh hen suyễn như ông, khi trời rét phải giữ ấm cơ thể cẩn thận, nếu thấy mệt hoặc có dấu hiệu khác thường về sức khỏe phải đi khám ngay.

Theo số liệu tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Chuyên khoa Lao và bệnh Phổi tỉnh, hiện đơn vị đang quản lý điều trị ngoại trú cho trên 450 bệnh nhân hen phế quản và COPD.

Trong những ngày thời tiết chuyển lạnh như hiện nay, bình quân mỗi ngày khoa tiếp nhận gần 30 bệnh nhân hen và COPD đến khám vì tái phát bệnh. Ngoài những bệnh nhân có tình trạng ổn định sau khi được khám, xét nghiệm và được cấp thuốc điều trị ngoại trú, thời điểm này cũng ghi nhận nhiều trường hợp bệnh diễn biến nặng phải nhập viện cấp cứu hoặc điều trị nội trú.

Bệnh hen phế quản (hay còn gọi là bệnh hen suyễn) là một bệnh mạn tính đường hô hấp, có thể tái đi tái lại nhiều lần, nhất là khi thời tiết giao mùa.

Với đặc trưng là những cơn hen cấp tính, bệnh hen phế quản có diễn biến nhanh, nguy hiểm nhất là có thể gây tử vong nếu người bệnh không được theo dõi và xử trí kịp thời. Các triệu chứng đặc trưng của hen phế quản thường bao gồm khó thở, nặng ngực, khò khè, thở rít, ho tái diễn nhiều lần, thường xảy ra ban đêm và sáng sớm, có thể hồi phục tự nhiên hoặc dùng thuốc.

Nguyên nhân gây nên bệnh hen phế quản có thể là do sự kết hợp của các tác nhân môi trường và gen di truyền.

Trong đó, tác nhân gây bệnh từ môi trường gồm khói bụi, phấn hoa, lông vật nuôi; nhiễm khuẩn đường hô hấp do vi rút, vi khuẩn; dị ứng thức ăn và một số loại thuốc như aspirin, ibuprofen; khói thuốc lá và các tác nhân khác như căng thẳng tâm lý, gắng sức, thời tiết... Hen phế quản là bệnh liên quan nhiều đến việc thay đổi thời tiết, môi trường sống, đặc biệt trong mùa lạnh thường rất dễ lên cơn hen cấp.

Bệnh hen phế quản thường không thể chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát được các triệu chứng của bệnh nếu người bệnh tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ.

“Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh và chủ động bảo vệ sức khỏe đối với người bệnh hen phế quản, cần hạn chế tối đa sự tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng; đeo khẩu trang khi ra đường; thường xuyên vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa; đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Người bệnh cũng cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh; thực hiện tầm soát bệnh hen để biết tình trạng sức khỏe bản thân một cách chính xác.

Khi được chẩn đoán mắc hen phế quản, người bệnh cần cẩn trọng trong việc sử dụng một số loại thuốc để hạn chế tác dụng phụ của thuốc, trong trường hợp cần dùng nên xin ý kiến chỉ định của bác sĩ; chủ động tiêm phòng cúm, tiêm phòng phế cầu; chỉ dùng thuốc cắt cơn khi có cơn hen và sử dụng thuốc dự phòng đều đặn ngay cả khi không còn triệu chứng của hen, tuân thủ việc tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ điều trị.

Vào mùa lạnh, người bệnh nên giữ ấm cơ thể, tránh bị nhiễm khuẩn đường hô hấp như mắc cảm cúm hoặc viêm nhiễm, tránh khói bụi, phấn hoa... để phòng các đợt cấp của cơn hen. Đặc biệt, người bệnh luôn mang theo thuốc dự phòng bên người. Khi thấy có dấu hiệu mệt mỏi, ho, khó thở cần đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi, xử trí kịp thời”, bác sĩ Hằng khuyến cáo.

 

Tác giả bài viết: Phương Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết Website
Thống kê
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay870
  • Tháng hiện tại82,337
  • Tổng lượt truy cập2,956,079
Dịch vụ Tiêm chủng
Khử trùng, diệt côn trùng
Quan trắc môi trường lao động
Khám, Chữa bệnh Đa Khoa
Dịch vụ xét nghiệm
Kiểm dịch Y tế quốc tế
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây