Người mắc bệnh tim mạch tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa
Chủ nhật - 14/04/2024 20:39
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, ở nước ta, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong, cao hơn cả số ca tử vong vì ung thư hằng năm (khoảng 115.000 người). Đáng bàn là hiện có khoảng 25% người Việt trưởng thành đang mắc bệnh tim mạch và có xu hướng ngày càng trẻ hóa nhưng rất nhiều người vẫn chủ quan trong việc phòng ngừa bệnh lý này.
Tại Quảng Trị, những năm gần đây, số lượng người mắc bệnh tim mạch đến khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh tăng cao. Hiện mỗi ngày, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận từ 150 - 170 bệnh nhân đến khám chuyên khoa. 3 năm trước, bệnh viện chỉ có 1 phòng khám tim mạch ngoại trú (công suất khám tối đa 60 lượt bệnh nhân/ngày) nhưng hiện nay, có 3 phòng khám tim mạch ngoại trú để đáp ứng nhu cầu khám bệnh của người dân. Khoa Nội tim mạch có 80 đến 100 bệnh nhân điều trị nội trú với trung bình 20 bệnh nhân mới nhập viện mỗi ngày. Bên cạnh đó, số lượng bệnh nhân cần làm các thủ thuật can thiệp, phẫu thuật tim mạch tăng nhiều so với trước đây.
Ông Hoàng Văn Phước (60 tuổi), ở thôn Đoàn Kết, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ đang là bệnh nhân điều trị tại Khoa Nội tim mạch. Ông Phước đi viện khám vì 3 ngày liên tiếp xuất hiện các cơn đau bóp nghẹt giữa ngực kèm khó thở. “Trước đây, cũng có những con đau ngực thoáng qua, nhưng sau đó lại trở lại bình thường, cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến sinh hoạt và cuộc sống nên tôi chủ quan không đi khám. Tuy nhiên, mấy hôm vừa rồi thì cơn đau ngực liên tục xuất hiện, nhập viện tôi được bác sĩ chẩn đoán nhồi máu cơ tim do hẹp nặng động mạch vành nuôi tim, phải đặt stent cấp cứu. Tôi bị bệnh tim mà trước đó không hề hay biết, may không thì nguy hiểm đến tính mạng”.
Theo bác sĩ Phan Cao Sang, ông Phước nhập viện trong tình trạng đau nặng ngực sau xương ức lan lên cổ, người vã mồ hôi... là những triệu chứng điển hình của bệnh hẹp động mạch vành, nhồi máu cơ tim. Sau khi nong 1 nhánh của động mạch vành, sức khỏe ông bình phục nhanh, tuy nhiên bệnh nhân cần tiếp tục được theo dõi để tránh các biến chứng của nhồi máu cơ tim.
“Ông Phước bị bệnh tăng huyết áp nhiều năm nay nhưng không theo dõi thường xuyên, cũng không sử dụng thuốc hạ huyết áp hằng ngày theo khuyến cáo mà ông chỉ uống thuốc khi huyết áp lên. Ngoài ra, ông Phước cũng thường xuyên hút thuốc lá. Đây đều là những yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh lý tim mạch mà bệnh nhân không biết”, bác sĩ Sang nói.
Không riêng gì ông Phước, hiện có rất nhiều người khi bệnh trở nặng, bị biến chứng mới đến cơ sở y tế khám và phát hiện ra mình mắc bệnh tim mạch. Bệnh lý về tim mạch hiện nay rất đa dạng, có những bệnh tiến diễn từ từ, âm ỉ đến khi có triệu chứng (như suy tim thì gây triệu chứng khó thở, thiếu máu cơ tim thì dẫn đến đau tức ngực) khi gắng sức, từ đó người dân mới đi khám. Bên cạnh đó, còn có những thể bệnh trước đó không có triệu chứng gì rõ ràng nhưng lên cơn đau tức ngực thì có thể nguy kịch như nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim... biểu hiện đầu tiên có thể là đột tử.
Có thể thấy, kiến thức để chủ động phòng ngừa bệnh tật nói chung, bệnh lý tim mạch nói riêng của đa số người dân còn thiếu. Nhiều người chưa hiểu rõ các yếu tố nguy cơ gây bệnh là gì, không chủ động điều chỉnh lối sống (ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi, tập luyện, bỏ thuốc lá).
Việc khám sức khỏe định kỳ cũng chưa được chú ý. Nhiều bệnh lý nền chưa được chẩn đoán và điều trị kiểm soát tốt như bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì (béo bụng)... dẫn đến các bệnh lý tim mạch ngày càng tăng.
Trước đây, bệnh lý tim mạch do xơ vữa thường gặp ở người lớn tuổi (nam từ 55 tuổi trở lên; nữ từ 65 tuổi trở lên). Tuy nhiên, hiện nay độ tuổi trung bình dễ mắc bệnh tim mạch có thể trước 50 tuổi, có những bệnh nhân nhồi máu cơ tim trước 35 tuổi. Người mắc bệnh ngày càng trẻ hóa có thể giải thích do chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý như lười vận động, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, dùng nhiều đạm động vật (thịt đỏ)... Tình trạng thừa cân, béo phì, thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống, ô nhiễm môi trường cũng dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Đức, Trưởng Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, có 2 cách dự phòng nhằm chủ động phòng ngừa, điều trị bệnh tim mạch. Thứ nhất, dự phòng tiên phát (khi chưa mắc bệnh) là tránh các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Thứ hai là dự phòng thứ phát (mắc bệnh rồi) cần phát hiện sớm bệnh để có phương án điều trị.
Muốn dự phòng tốt thì phải biết yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch là gì. “Có 2 nhóm nguy cơ, gồm các nguy cơ thay đổi được ví dụ hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì, lười vận động, căng thẳng... nhóm này có thể thay đổi được bằng cách điều chỉnh lối sống và dùng thuốc; nhóm yếu tố nguy cơ không thay đổi được như tuổi tác, giới tính, yếu tố di truyền... nhóm này cũng cần nhận biết để khám sàng lọc sớm bệnh tim mạch, cần điều chỉnh các yếu tố nguy cơ tim mạch tích cực hơn”, bác sĩ Đức cho biết.
Hiện nay, hầu hết bệnh lý về tim mạch đều có thể được can thiệp, quản lý tốt nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật của ngành y. Đặc biệt, bệnh tim mạch có thể phòng ngừa làm giảm nguy cơ mắc, giảm mức độ nặng một cách chủ động thông qua việc nâng cao nhận thức của người dân, duy trì thói quen tốt, khám sàng lọc, theo dõi sức khỏe thường xuyên.
Với những hành động tưởng chừng như rất đơn giản như không hút thuốc lá, hạn chế thức ăn nhiều cholesterol, ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế uống rượu bia, vận động thể lực mỗi ngày ít nhất 30 phút, tối thiểu 5 ngày mỗi tuần... đều là cách hữu hiệu để dự phòng sớm các bệnh lý tim mạch.