Chuyển đổi số để chủ động trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân
Chủ nhật - 30/10/2022 22:35
Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế, thời gian qua, ngành y tế đã tích cực thực hiện các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) vào hoạt động quản lý, khám, chữa bệnh và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế nói chung và hệ thống khám chữa bệnh nói riêng đã đạt được những thành tựu quan trọng. Theo đó, ngành đã từng bước làm chủ, ứng dụng CNTT trong tổng thể các hoạt động của ngành, mang lại hiệu quả thiết thực trong chẩn đoán, điều trị cho người bệnh; phòng bệnh cho người dân, đồng thời tăng cường công tác điều hành, quản lý của các cơ sở y tế…
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị các đơn vị y tế cơ bản được đồng bộ, đặc biệt là hệ thống các bệnh viện được đầu tư phát triển hơn, nhiều kỹ thuật, công nghệ y học tiên tiến được áp dụng trong khám, chữa bệnh. Khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế của người dân được cải thiện, góp phần cứu chữa được nhiều người mắc bệnh nặng mà trước đây phải chuyển lên tuyến trên hoặc ra nước ngoài khám chữa bệnh.
Trong lĩnh vực khám chữa bệnh, việc ứng dụng CNTT bắt đầu triển khai từ năm 2005 tại các bệnh viện trên toàn tỉnh bằng phần mềm quản lý bệnh viện. Đến năm 2016, 100% cơ sở khám chữa bệnh triển khai hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện HIS. Năm 2020, triển khai hệ thống thông tin xét nghiệm LIS và bắt đầu từ năm 2022, hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS (cung cấp truy cập từ xa các báo cáo về bệnh nhân gồm thông tin và các hình ảnh để xem, cho phép bác sĩ chẩn đoán hình ảnh làm việc từ các địa điểm khác nhau có thể truy cập một thông tin trong cùng một lúc, nâng cao hiệu quả làm việc của bác sĩ và hiệu quả khám chữa bệnh của bệnh nhân) bắt đầu được triển khai.
Theo dự kiến, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoàn thành đưa vào áp dụng bệnh án điện tử từ năm 2023, đối với các cơ sở khám chữa bệnh khác hoàn thành trước năm 2028. 100% cơ sở khám chữa bệnh thực hiện kết nối thành công với cổng giám định bảo hiểm của BHYT. Thông qua việc kết nối dữ liệu, thanh toán BHYT về hệ thống giám định điện tử, thông tin khám chữa bệnh và thanh toán BHYT được công khai minh bạch, người tham gia BHYT được bảo đảm quyền lợi hợp pháp khi đi khám chữa bệnh, thực hiện công tác giám định và thanh toán BHYT qua mạng điện tử. Triển khai dịch vụ thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế thông qua quét mã Viet QR Code, chuyển khoản và máy POS. Triển khai thực hiện đơn thuốc điện tử.
Cùng với đó, trong lĩnh vực dự phòng đã triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử. Đến nay, 90% người dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh đã được khởi tạo hồ sơ sức khỏe điện tử và dữ liệu được cập nhật thường xuyên qua những lần sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế của tỉnh. Triển khai hệ thống phần mềm quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn (hệ thống quản lý y tế cơ sở). Hệ thống cho phép thực hiện hỗ trợ quản lý các hoạt động chuyên 4 môn theo 4 cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã). Trong công tác quản lý điều hành, đến nay, 100% văn bản (trừ các văn bản mật) đã được ban hành và lưu trữ trên môi trường mạng, 100% cơ sở y tế đã sử dụng các phần mềm quản trị như phần mềm quản lý văn bản điều hành; phần mềm kế toán; phần mềm quản lý công chức, viên chức…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, hệ thống khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập, thách thức. Đó là mô hình bệnh tật kép (bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm); nguồn lực đầu tư cho y tế tăng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; phân bổ nhân lực y tế không đồng đều, cán bộ có tay nghề thường tập trung tại các cơ sở y tế 3 tuyến tỉnh. Nhiều kỹ thuật y tế cao đã thực hiện nhưng không đồng đều (tập trung chủ yếu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh).
Ở tuyến dưới có chất lượng dịch vụ y tế thấp hơn, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao của người dân còn hạn chế, dẫn đến sự mất công bằng trong chăm sóc sức khỏe và người dân không tin tưởng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ở tuyến dưới. Việc vượt tuyến khám bệnh, chữa bệnh xảy ra phổ biến, gây ra tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.
Một số trang thiết bị y tế như các thiết bị chẩn đoán hình ảnh và máy xét nghiệm được đầu tư từ lâu nay đã lạc hậu, không thể thực hiện kết nối trích xuất dữ liệu với hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện HIS phục vụ xây dựng bệnh án điện tử. Thói quen, nền nếp làm việc của cán bộ y tế chuyển từ ghi chép bằng tay sang sử dụng máy tính còn chậm, người dân chưa quen sử dụng CNTT trong làm thủ tục đi khám, chữa bệnh.
Giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành, trong đó có chi phí về CNTT, do đó nguồn lực đầu tư phát triển các ứng dụng công nghệ tin trong bệnh viện còn hạn chế. Chưa có chính sách hỗ trợ công tác phát triển nguồn nhân lực CNTT trong ngành y tế nói riêng. Hiện tại, chưa có quy định về trách nhiệm, quyền lợi đối với nhân viên y tế thực hiện công tác khám chữa bệnh từ xa. Tỉ lệ người dân tiếp cận và sử dụng sổ sức khỏe điện tử để theo dõi tiền sử bệnh và ứng dụng công nghệ trong việc thực hiện khám chữa bệnh từ xa chưa cao, ảnh hưởng đến hiệu quả áp dụng ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh từ xa…
Việc ứng dụng CNTT vào hoạt động chăm sóc sức khoẻ nhân dân là rất cần thiết, giúp thúc đẩy phát triển KT-XH, đóng vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy CĐS toàn diện với mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành quốc gia số. Để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân, thời gian tới, ngành y tế tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước, đồng thời tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong y tế.