Chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ

Chủ nhật - 07/08/2022 22:34
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu do tốc độ lây truyền nhanh và có nguy cơ lan rộng hơn tới các quốc gia khác. Nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ có thể xâm nhập và gây bệnh ở Việt Nam là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia, trong khi sự giao lưu đi lại giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, trong khu vực ngày càng gia tăng. Trước tình hình đó, ngành Y tế Quảng Trị đã chủ động tăng cường công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ nhằm hạn chế không để dịch xâm nhập vào địa bàn tỉnh.
 
HAIYTE 0813
Kiểm tra, giám sát bệnh truyền nhiễm đối với hành khách nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo -Ảnh: P.T.H

Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là “bệnh đậu mùa khỉ”. Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại nước Cộng hòa Dân chủ Công gô, sau đó trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi.

Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.

Bệnh đậu mùa khỉ thường có triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2-3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch.

Hiện chưa xác định tình trạng người nhiễm vi rút đậu mùa khỉ không triệu chứng. Thời gian ủ bệnh từ 5-21 ngày. Thời gian người bệnh có thể lây nhiễm cho người khác là từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên đến khi tất cả các lớp vảy trên các vị trí phát ban bong tróc hết. Các biến chứng có thể gồm nhiễm trùng thứ phát, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực. Bệnh có tỉ lệ tử vong dao động từ 0-11%.

Đậu mùa khỉ ở người lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, từ 1/1/2022 đến ngày 23/7/2022, trên thế giới đã ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 75 quốc gia. Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ có thể xâm nhập và gây bệnh ở nước ta là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia, sự giao lưu đi lại thuận tiện có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, trong khu vực.

Bác sĩ CK1 Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, triển khai kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp dự phòng tại các cửa khẩu.

Tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, nhất là những trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ. Phân công cán bộ kiểm dịch viên tại các cửa khẩu sẵn sàng đáp ứng công tác khám sàng lọc, tư vấn, phân luồng, cách ly tạm thời, xử lý môi trường, đồng thời tích cực chủ động phát hiện, ngăn chặn các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm lan truyền qua biên giới.

Thực hiện đầy đủ các hoạt động kiểm dịch y tế biên giới được quy định tại Nghị định 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới. Phối hợp với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để xử lý kịp thời những tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, không để bị động, lúng túng.

Cập nhật thường xuyên, kịp thời thông tin về các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh truyền nhiễm mới ghi nhận gần đây, có nguy cơ xâm nhập vào nước ta để chủ động áp dụng các biện pháp giám sát, phòng chống phối hợp ngay tại cửa khẩu.

Tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức cho hành khách về tình hình bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng chống tạm thời. Bên cạnh đó, trung tâm đã chỉ đạo các khoa, phòng đánh giá, nhận định tình hình và đề xuất biện pháp phòng chống dịch; chuẩn bị nhân lực, vật tư y tế, hóa chất để triển khai công tác chuyên môn, đáp ứng mọi tình huống có thể xảy ra”.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đậu mùa khỉ, ngành y tế khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay, khăn giấy dùng một lần để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục, tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ; tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Trong trường hợp nơi ở hoặc nơi làm việc có người mắc, nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn. Bên cạnh đó, người dân cần đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực và nâng cao sức khỏe bản thân.

 

 

Tác giả bài viết: Thanh Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Dịch vụ Tiêm chủng
Khử trùng, diệt côn trùng
Quan trắc môi trường lao động
Khám, Chữa bệnh Đa Khoa
Dịch vụ xét nghiệm
Kiểm dịch Y tế quốc tế
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây