Chủ động phòng chống bệnh đau mắt đỏ

Thứ hai - 25/09/2023 09:51
Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan nhanh trong cộng đồng, đặc biệt tại các trường học làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình học tập của học sinh. Để phòng chống bệnh đau mắt đỏ, mọi người cần chủ động làm theo hướng dẫn của ngành y tế để hạn chế sự lây lan trong cộng đồng.
 
114d5190007t641l0 haiyte 92023
Khi có biểu hiện của bệnh đau mắt đỏ, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và hướng dẫn điều trị -Ảnh: P.T.H

Bệnh đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc cấp) là tình trạng mô trong suốt lót bề mặt bên trong mí mắt và lớp phủ bên ngoài mắt bị viêm đỏ. Người bệnh có thể bị đau mắt đỏ ở một hoặc cả hai mắt do vi rút Adenos, Entero, vi khuẩn, chất gây dị ứng và nhiều nguyên nhân khác gây ra. Khi bị bệnh đau mắt đỏ, phần tròng trắng (bề mặt nhãn cầu) của người bệnh có màu hồng nhạt hoặc hơi đỏ, mí mắt sưng húp và rủ xuống.

Mắt bị viêm có chất lỏng chảy ra hoặc đóng vảy trên lông mi hoặc mí mắt. Đau mắt đỏ xảy ra ở mọi đối tượng gồm trẻ em, người trưởng thành, người già. Bệnh này xảy ra quanh năm, rất dễ lây và lan rộng thành dịch, nhất vào khoảng thời gian chuyển từ mùa hè sang mùa thu.

Bệnh đau mắt đỏ do vi rút nên có khả năng lây lan cao, dẫn đến bùng phát thành dịch. Con đường lây nhiễm viêm kết mạc chủ yếu là tiếp xúc trực tiếp với ghèn, gỉ mắt của người bệnh hay dịch tiết ở mắt, qua các vật dụng trung gian như khăn mặt, kính, chậu rửa mặt... Bệnh cũng lây qua đường hơi thở và đường nước bọt như khi nói chuyện gần, ho...

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Mắt Quảng Trị, từ đầu tháng 9 đến nay, đã có 292 ca mắc bệnh đau mắt đỏ đến khám và điều trị. Tại Trung tâm Y tế huyện Gio Linh, từ đầu năm đến nay trên địa bàn toàn huyện ghi nhận 127 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ tại 5/17 xã, thị trấn.

Bệnh có nguy cơ gia tăng, lan rộng trong những ngày gần đây, đặc biệt tại các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo. Nhằm chủ động phòng chống, không để dịch bùng phát, Trung tâm Y tế huyện Gio Linh đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các trường tích cực phối hợp chặt chẽ với các trạm y tế xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống bệnh đau mắt đỏ.

Đồng thời theo dõi và quản lý tốt sức khỏe của trẻ em, học sinh, cán bộ, giáo viên và nhân viên trong nhà trường; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để thông báo cho gia đình và cơ quan y tế triển khai các biện pháp phòng bệnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường và phụ huynh học sinh một số biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Các trạm y tế xã, thị trấn phối hợp với trường học trên địa bàn tăng cường công tác phòng chống bệnh đau mắt đỏ trong các trường học; tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh và gia đình các biện pháp phòng bệnh. Truyền thông có hiệu quả về các biện pháp phòng chống bệnh đau mắt đỏ với hình thức phù hợp để người dân nhận thức đúng về dịch bệnh, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho gia đình và cộng đồng.

Bác sĩ CK1 Hoàng Thị Mỹ Duyên, Bệnh viện Mắt Quảng Trị cho biết: “Triệu chứng điển hình của bệnh đau mắt đỏ là: cộm xốn như có dị vật, chảy nước mắt, ngứa mắt, sưng đỏ mí và kết mạc, chảy rỉ ghèn, nhất là vào buổi sáng ghèn làm dính chặt lông mi rất khó mở mắt khiến người bệnh khó chịu, phải thường xuyên dụi mắt. Một số trường hợp viêm kết mạc cấp do vi rút sẽ bị nổi hạch trước tai, sưng, đau và kèm một số triệu chứng của viêm đường hô hấp như ho, sốt, sổ mũi, khò khè, đặc biệt hay gặp ở trẻ em. Bình thường bệnh sẽ giảm dần và hết sau 5-7 ngày.

Tuy nhiên, nếu bệnh diễn tiến thời gian dài có thể gây biến chứng viêm giác mạc, lúc này bệnh nhân sẽ có biểu hiện nhìn mờ, chói sáng, chảy nước mắt tăng lên. Trường hợp này cần có thuốc điều trị đặc hiệu và thời gian điều trị kéo dài để tránh các biến chứng viêm loét giác mạc nặng. Một số trường hợp tiến triển nặng, các sợi Fibrin trong dịch tiết của kết mạc sẽ kết hợp với tế bào viêm và vi khuẩn tạo thành một màng trắng bám chặt ở mặt trong kết mạc gọi là “giả mạc”, trường hợp này có thể kèm theo xuất huyết kết mạc và chảy nước mắt lẫn máu hồng”.

Để chủ động phòng chống đau mắt đỏ, bác sĩ Mỹ Duyên khuyến cáo, cần cách ly người bệnh và có các biện pháp dự phòng để hạn chế nguy cơ lây nhiễm như đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bệnh nhân, rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sát khuẩn, không dùng chung các vật dụng cá nhân...

Khi có biểu hiện bệnh, tuyệt đối không tự ý mua thuốc nhỏ. Việc sử dụng corticoid trong giai đoạn sớm của bệnh viêm kết mạc vi rút dễ gây bùng phát vi rút khó kiểm soát, làm kéo dài thời gian lây nhiễm, có thể dẫn đến các biến chứng viêm loét giác mạc nặng nề. Những ai có biểu hiện bệnh trong mùa dịch nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và kê đơn thuốc phù hợp.

 

Tác giả bài viết: Thanh Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết Website
Thống kê
  • Đang truy cập32
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm19
  • Hôm nay3,491
  • Tháng hiện tại84,958
  • Tổng lượt truy cập2,958,700
Dịch vụ Tiêm chủng
Khử trùng, diệt côn trùng
Quan trắc môi trường lao động
Khám, Chữa bệnh Đa Khoa
Dịch vụ xét nghiệm
Kiểm dịch Y tế quốc tế
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây