6 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 5 trường hợp mắc bạch hầu, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ và tỉ lệ tiêm nhắc vắc xin DPT4 (nhóm vắc xin kết hợp chống lại ba bệnh truyền nhiễm ở người: bạch hầu, ho gà và uốn ván) năm 2023 chưa cao do thiếu hụt vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Đây được xác định là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh bạch hầu có nguy cơ diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Ngày 19/7/2024, hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm tỉnh Quảng Trị ghi nhận trường hợp một bệnh nhân nữ nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải. Theo đó, bệnh nhân khởi bệnh ngày 17/7/2024 với các triệu chứng sốt, ho, nôn, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, mệt mỏi, ăn uống kém.
Thăm khám tại bệnh viện cho thấy bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, da xanh, đau đầu, đau mỏi khớp; niêm mạc họng đỏ có giả mạc trắng ở thành sau họng bên trái. Chẩn đoán của bệnh viện là bệnh nhân nhiễm vi rút không xác định/theo dõi bạch hầu.
Để chủ động ứng phó với các diễn biến dịch bệnh có thể xảy ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị đã khẩn trương triển khai các biện pháp chuyên môn phòng, chống bệnh bạch hầu. Trong đó đã tiếp nhận và gửi mẫu bệnh phẩm gồm dịch ngoáy họng, giả mạc của bệnh nhân cùng những trường hợp bệnh nhân tiếp xúc gần đến Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm khẳng định. Đến ngày 22/7/2024, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân cùng những người liên quan được Viện Pasteur Nha Trang trả lời âm tính.
Theo số liệu thống kê hoạt động phòng chống bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị, trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 22 trường hợp mắc bạch hầu tại 6 ổ dịch, trong đó 6 trường hợp có biểu hiện lâm sàng và 16 trường hợp là người lành mang trùng phân bố tại các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh và Hướng Hóa. Từ năm 2021-2023, toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp mắc bạch hầu.
Tuy nhiên, trong năm 2023, do thiếu hụt vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng nên tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ của trẻ em trên toàn tỉnh đạt 78,1%, tỉ lệ tiêm nhắc vắc xin DPT4 đạt 56,2%. Vẫn còn nhiều trẻ chưa được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin có thành phần bạch hầu, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn.
Đây là nhóm đối tượng đối diện với nhiều nguy cơ dễ bị dịch bệnh bạch hầu tấn công và là yếu tố khiến bùng phát dịch. Bên cạnh đó, sự giao lưu di biến động dân cư diễn ra tấp nập, khó kiểm soát yếu tố nguy cơ từ các vùng khác xâm nhập cũng là một trong những nguyên nhân dự báo tình hình dịch bệnh bạch hầu có thể diễn biến phức tạp trong năm 2024.
Để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, ngay từ đầu năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị đã có kế hoạch phòng chống dịch bệnh bạch hầu. Theo đó, mục tiêu cụ thể của kế hoạch này là tỉ lệ mắc bệnh bạch hầu giảm 5% so với trung bình giai đoạn 2016 -2020; 100% các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu đều được tiến hành điều tra, xác minh ca bệnh, khoanh vùng xử lý dịch và cách ly điều trị kháng sinh dự phòng theo quy định. 100% các ổ dịch bạch hầu mới phát sinh ở quy mô xã, phường, thị trấn được kịp thời khoanh vùng, xử lý triệt để theo quy định, không để lan rộng và kéo dài.
Trên 95% đối tượng tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính và đối tượng nằm trong vùng nguy cơ cao được tiêm phòng vắc xin có thành phần bạch hầu (Td/DPT/DPT-VGB-Hib) để chủ động phòng bệnh. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh bạch hầu, khoanh vùng, xử lý kịp thời, khống chế sự lây lan, bùng phát trong cộng đồng và hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong do dịch bệnh bạch hầu gây ra.
Theo bác sĩ Lê Thị Minh Trang, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị, bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính làm xuất hiện giả mạc dày, dai, trắng ngà, bám chặt và lan nhanh bao phủ toàn bộ vòm họng, mũi, tuyến hạnh nhân, thanh quản. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như ở kết mạc mắt, bộ phận sinh dục... Bệnh bạch hầu có tốc độ lây lan rất nhanh, gây biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là tỉ lệ tử vong cao.
Khi mắc bạch hầu, thời gian ủ bệnh thường từ 2 - 5 ngày, người bệnh thường có triệu chứng sốt nhẹ, đau họng, khó chịu, mệt mỏi, ăn kém, da xanh, chảy nước mũi, họng hơi đỏ. Khám họng thấy có giả mạc trắng, lúc đầu nhỏ, sau lan dần ra bao trùm họng và lưỡi gà, dai, bóc ra dễ chảy máu, hạch cổ sưng to...
Bệnh bạch hầu hiện nay đã có thuốc điều trị đặc hiệu song những biến chứng của bệnh gây ra rất nguy hiểm như suy hô hấp và tuần hoàn, liệt màn khẩu, viêm cơ tim, tổn thương thần kinh, bàng quang mất kiểm soát, cơ hoành bị tê liệt...
Các biến chứng này có thể khiến người bệnh tử vong rất nhanh, chỉ trong 6 -10 ngày nếu điều trị muộn và bệnh đã trở nặng. Bệnh lây theo đường hô hấp, có thể lây trực tiếp do tiếp xúc với người bệnh khi nói, ho, hắt hơi... hoặc gián tiếp qua tiếp xúc với các dịch tiết chứa vi khuẩn từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng. Nhờ hiệu quả của chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ em nên tỉ lệ mắc bệnh giảm đáng kể.
Tuy nhiên, dựa trên chu kỳ hoạt động, dịch bệnh bạch hầu thường xuất hiện vào các tháng 8, 9 và 10 trong năm. Bệnh tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và lây lan ở những địa phương có tỉ lệ tiêm chủng vắc xin bạch hầu thấp. Những đối tượng nguy cơ cao dễ mắc bệnh bạch hầu bao gồm trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi, người bị rối loạn miễn dịch, sống chung môi trường đông đúc, chật hẹp, không đủ tiêu chuẩn vệ sinh, không tiêm chủng đúng lịch, đầy đủ.
Cũng theo bác sĩ Minh Trang, dù là bệnh nhiễm trùng cấp tính nguy hiểm nhưng bạch hầu hoàn toàn có thể phòng tránh được. Theo đó, tiêm vắc xin phòng bệnh là biện pháp phòng ngừa quan trọng và hiệu quả nhất. Tiêm vắc xin đầy đủ sẽ giúp phòng nguy cơ mắc bệnh, ngăn chặn sự lây lan, tránh tình trạng bệnh nặng lên và tạo miễn dịch cộng đồng.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, người dân cần tích cực thực hiện các biện pháp sau: đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu theo lịch tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Người lớn cần tiêm vắc xin nhắc lại khoảng 10 năm một lần. Tại những vùng có nguy cơ cao, những vùng có tỉ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh thấp, có thể thực hiện những chiến dịch tiêm vét, tiêm bổ sung...
Các đối tượng gồm phụ nữ mang thai, người từ 50 tuổi trở lên, người lớn có bệnh mạn tính là các đối tượng có nguy cơ tử vong cao hơn khi mắc bạch hầu. Vì vậy, cần rà soát lịch tiêm để bổ sung kịp thời. Bên cạnh đó, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Thường xuyên vệ sinh môi trường sống, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thoáng khí. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần nghiêm túc chấp hành các biện pháp theo khuyến cáo của ngành y tế.