Chủ động phòng ngừa bệnh dại

Chủ nhật - 19/03/2023 22:00
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Khi đã lên cơn dại, tỉ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Do vậy, khi bị động vật cắn, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng. Đây là biện pháp hiệu quả nhất để tránh nguy cơ tử vong.

 
Tiềm ẩn nguy cơ bệnh dại trong cộng đồng
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị, vào ngày 3/3/2023 đã ghi nhận 1 trường hợp được chẩn đoán lâm sàng bệnh dại tại thôn Ra Lây, xã Pa Nang, huyện ĐaKrông. Trước khi khởi phát bệnh khoảng 2 tháng vì bị chó chưa xác định nguồn gốc cắn vào mu bàn tay trái, bệnh nhân không điều trị phơi nhiễm bằng vắc xin và cũng không đến cơ sở y tế để thăm khám.

Ngày 2/3/2023, bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi, sợ nước, sợ gió, được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Đakrông, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh rồi chuyển lên Bệnh viện Trung ương Huế. Vào chiều 3/3/2023, bệnh nhân được chuyển về nhà và ngày 6/3/2023 đã tử vong.

 
114d5203359t2790l2 haiyte2023
Tiêm vắc xin phòng dại là biện pháp duy nhất để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh dại.

Năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh dại là trẻ em tại huyện Triệu Phong. Trường hợp này tử vong sau khi phơi nhiễm do bị chó cắn (sau khi cắn 3 ngày thì chó chết) nhưng không đi điều trị dự phòng phơi nhiễm động vật nghi dại cắn. Từ năm 2010-2016, toàn tỉnh ghi nhận 3 trường hợp tử vong bệnh dại vào các năm 2013, 2014, 2016. Các trường hợp trên đều không được tiêm huyết thanh và vắc xin phòng dại sau khi bị chó cắn. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị, năm 2022 có 570 người tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình mỗi năm có khoảng 59.000 người tử vong vì bệnh dại tại hơn 100 quốc gia (trong đó có 99% trường hợp người tử vong do nhiễm vi rút dại từ chó; 40% là trẻ em dưới 15 tuổi; 95% ca tử vong ở châu Á và châu Phi) và 29 triệu người phơi nhiễm với bệnh dại phải đi điều trị dự phòng (trong đó 40% là trẻ em từ dưới 15 tuổi ở các nước châu Á và châu Phi).

Cũng theo WHO, nếu không được điều trị dự phòng, con số tử vong vì bệnh dại có thể lên tới hơn 330 nghìn người mỗi năm. Ở châu Á, mỗi năm có khoảng 26 triệu người được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm. Tại Việt Nam, theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế, từ đầu năm 2022 đến ngày 5/11/2022, cả nước đã ghi nhận 53 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 22/64 tỉnh thành phố, cao nhất cả nước có 13 trường hợp tại Bến Tre.

Chủ động tiêm vắc xin phòng dại
Chị N.L.X., TP. Đông Hà, bị chó nhà hàng xóm cắn vào chân. Sau khi được sơ cứu, chị đã đến cơ sở y tế để thăm khám và tư vấn. Khi được các bác sĩ khuyến cáo, chị X. đã đến phòng tiêm chủng dịch vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để tiêm vắc xin phòng dại. Trao đổi với chúng tôi, chị X. cho biết: “Để bảo vệ chính mình thì không còn cách nào khác là đi tiêm phòng bệnh dại, đồng thời tôi cũng chủ động theo dõi chó nhà hàng xóm để có các biện pháp can thiệp khác”.

Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt của vật chủ bị nhiễm vi rút dại. Bệnh được lây truyền qua vết cắn, liếm, vết xước trên da.
Bác sĩ Nguyễn Vũ Linh, Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị cho hay: “Thời gian ủ bệnh ở người thông thường là từ 1 - 3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm.

Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Khi đã lên cơn dại, cả động vật và người đều tử vong.

Người mắc bệnh dại thường trải qua các giai đoạn như: tiền triệu chứng (khoảng 1-4 ngày) với biểu hiện sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, đau tại vết thương. Giai đoạn viêm não, người bệnh thường có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ.

Ngoài ra, người bệnh còn bị rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp. Bệnh thường kéo dài từ 2-6 ngày, đôi khi lâu hơn và cuối cùng người bệnh tử vong. Bệnh dại tiến triển khiến người bệnh không thể uống nước, không nuốt được, ăn uống trở nên cực kỳ khó khăn. Khi phát dại, người bệnh tỉnh táo hoàn toàn cho đến lúc tử vong”.

Bệnh dại rất nguy hiểm, nhưng đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Để chủ động phòng ngừa bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; diệt chó chạy rông, chó vô chủ. Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi. Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có). Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa khi bị các con vật cắn.

 

Tác giả bài viết: Thanh Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết Website
Thống kê
  • Đang truy cập30
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay3,847
  • Tháng hiện tại133,635
  • Tổng lượt truy cập2,734,155
Dịch vụ Tiêm chủng
Khử trùng, diệt côn trùng
Quan trắc môi trường lao động
Khám, Chữa bệnh Đa Khoa
Dịch vụ xét nghiệm
Kiểm dịch Y tế quốc tế
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây