Giám sát chặt bệnh đậu mùa khỉ

Thứ ba - 24/05/2022 21:16
Để chủ động giám sát và kịp thời triển khai các biện pháp phòng bệnh, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát phát hiện các ca nghi ngờ ngay tại cửa khẩu
 
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 21-5, thế giới ghi nhận 92 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và 28 trường hợp nghi ngờ, chưa có tử vong.

Không dễ lây lan

Đáng chú ý, các nước ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ trước đó chưa từng lưu hành bệnh này và các ca bệnh đều không có tiền sử đi về từ vùng có dịch. Phần lớn các ca bệnh là người có quan hệ đồng giới nam.

Tất cả ca bệnh đều có mẫu xét nghiệm bằng Realtime PCR, xác định là nhiễm chủng Tây Phi.

Theo hãng tin Reuters, WHO khẳng định đợt bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ ngoài châu Phi không đòi hỏi việc tiêm phòng hàng loạt vì các biện pháp như giữ gìn vệ sinh tốt và hành vi tình dục an toàn sẽ kiểm soát được lây lan. Ông Richard Pebody - người đứng đầu nhóm về Tác nhân gây bệnh đe dọa cao của WHO ở châu Âu - cho biết đây không phải là một loại virus dễ lây lan và đến nay nó vẫn chưa gây ra trường hợp bệnh nghiêm trọng nào.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh các quan chức của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết có hơn 1.000 liều vắc-xin đậu mùa dự phòng trong khi dự trữ quốc gia, loại vắc-xin có thể ngừa cả đậu mùa khỉ.

Người đứng đầu Ban Thư ký bệnh đậu mùa thuộc Chương trình Khẩn cấp của WHO - Rosamund Lewis đưa ra khẳng định hiện không có bằng chứng cho thấy virus gây bệnh đậu mùa khỉ đã đột biến. Hiện các cơ quan y tế công cộng ở châu Âu và Bắc Mỹ đang điều tra hơn 100 trường hợp nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ. Như vậy, chỉ có châu Á là chưa báo cáo ca đậu mùa khỉ nào trong đợt dịch lần này. Đậu mùa khỉ vẫn lưu hành nhiều đợt ở châu Phi, tại các khu vực người dân sống cạnh rừng, bởi chủ yếu lây truyền từ động vật sang người. Nguy cơ lây từ người sang người là thấp và con đường lây có thể là tiếp xúc với dịch tiết, dịch từ mụn nước của người nhiễm bệnh hoặc do dùng chung các vật dụng.

Triệu chứng của bệnh gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau mỏi lưng, các cơ, ớn lạnh, mệt mỏi uể oải, nổi hạch. Sau khi sốt từ 1-3 ngày, người bị bệnh có thể phát ban trên mặt, lòng bàn tay, bàn chân, miệng, mắt, cơ quan sinh dục ngoài... Nốt ban ban đầu chỉ hơi sần trên bề mặt da và sau đó thành mụn nước, sưng to rồi mụn mủ, sau đó khô, đóng vảy và xẹp. Thông thường, các triệu chứng kéo dài từ 2-4 tuần và tự khỏi, người bệnh không cần thực hiện các biện pháp điều trị đặc biệt. Hầu hết người bệnh đều hồi phục sau vài tuần, tỉ lệ tử vong không cao.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh diễn tiến nặng, khả năng tử vong cao, gồm: Người mắc bệnh có tiếp xúc lâu dài với virus, trẻ em, người có hệ miễn dịch kém... Thời gian gần đây, tỉ lệ tử vong dao động trong khoảng 3%-6%.
 
0851954565078c59d516
Kiểm dịch nhập cảnh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm tăng cường giám sát phòng ngừa việc lây lan dịch bệnh: Ảnh Hoàng Triều

Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh

Đại diện Bộ Y tế cho biết đang tích cực giám sát, phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập, hiện Việt Nam chưa ghi nhận ca nào. "Nước ta chưa có sinh phẩm xét nghiệm đậu mùa khỉ nhưng trong tình huống gấp, WHO và các tổ chức quốc tế sẽ hỗ trợ hoặc Việt Nam có thể gửi bệnh phẩm ra nước ngoài xét nghiệm" - đại diện Bộ Y tế thông tin.

Để chủ động giám sát và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống, Bộ Y tế sẽ đề nghị sở y tế các địa phương tăng cường giám sát phát hiện các ca nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, đặc biệt là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Đồng thời, các cơ sở y tế cũng tăng cường giám sát phát hiện trường hợp nghi ngờ có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ (theo định nghĩa của WHO). Khi phát hiện, báo cáo ngay sở y tế để phối hợp các viện vệ sinh dịch tễ, Pasteur nhằm chẩn đoán xác định ca bệnh. Bộ Y tế sẽ tiếp tục chủ động phối hợp WHO, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ và các tổ chức quốc tế khác để cập nhật thông tin, kỹ thuật chẩn đoán.

Để phòng bệnh, người dân cần tránh tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh đậu mùa; thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường, che miệng khi ho, hắt hơi. Người có các triệu chứng của ca bệnh nghi ngờ, cần chủ động liên hệ cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục. Người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.

Sốt xuất huyết và tay chân miệng tăng

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết từ ngày 13-5 đến nay, thành phố xuất hiện thêm 79 ổ dịch sốt xuất huyết mới và thêm 1 trường hợp tử vong tại huyện Củ Chi. Như vậy, từ đầu năm đến nay, thành phố có 7 trường hợp tử vong. Tuần qua, thành phố ghi nhận 943 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 19,7% so trung bình 4 tuần trước (788 ca). Đặc biệt, có 175 ca nặng và tăng 5,5 lần so cùng kỳ năm 2021. Số ca bệnh tăng cao tập trung tại các phường Tân Thới Hiệp, Thạnh Xuân (quận 12); Phú Thạnh, Sơn Kỳ (Tân Phú); xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn). Nguyên nhân là do địa bàn dân cư tại các khu vực này đông đúc, kênh rạch chằng chịt khiến ca bệnh tăng.

Cũng theo HCDC, trong 4 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận 2.562 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng ở độ tuổi từ 1-5. Từ ngày 13 đến 19-5, thành phố ghi nhận thêm 882 ca, tăng gấp 2 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Các quận, huyện có số ca tăng so với trung bình 4 tuần trước là Bình Tân, khu vực 3 của TP Thủ Đức, quận Tân Phú, quận Gò Vấp.

                                                                                                                    Nguồn: nld.com.vn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết Website
Thống kê
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay5,204
  • Tháng hiện tại135,680
  • Tổng lượt truy cập2,736,200
Dịch vụ Tiêm chủng
Khử trùng, diệt côn trùng
Quan trắc môi trường lao động
Khám, Chữa bệnh Đa Khoa
Dịch vụ xét nghiệm
Kiểm dịch Y tế quốc tế
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây