Trẻ tử vong, nguy kịch do hậu COVID-19 kèm sốt xuất huyết

Thứ năm - 16/06/2022 20:21
Các trẻ từng mắc COVID-19 hoặc có hội chứng hậu COVID-19 viêm đa hệ thống có phản ứng viêm rất cao, điều này không xảy ra ở trẻ chưa từng nhiễm COVID-19.
 
TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang bước vào cao điểm của dịch sốt xuất huyết (SXH) khi số ca mắc và tử vong có dấu hiệu tăng nhanh. BV Nhi đồng 2, một trong những đơn vị tiếp nhận điều trị các ca mắc SXH không chỉ ở TP.HCM mà còn các tỉnh miền Đông Nam bộ thời gian qua đã ghi nhận trên năm ca tử vong do SXH.
 
2ccf9fec76ae9ff0c6bf
Bé trai 15 tuổi mắc sốt xuất huyết nặng từng có tiền sử mắc COVID-19 điều trị tại BV Nhi đồng Thành phố. Ảnh: BSCC

Tử vong do viêm, tổn thương đa cơ quan nặng

Trong số các ca tử vong, đáng lo ngại có trẻ có di chứng hậu COVID-19 chồng bệnh SXH nên bệnh diễn tiến nặng không qua khỏi. ThS-BS Nguyễn Đình Qui, quản lý Khoa truyền nhiễm BV Nhi đồng 2, cho biết trường hợp trẻ tử vong là bé trai (10 tuổi, sống ở Bình Dương). Trước đó, bé bị mắc COVID-19 và có di chứng viêm đa hệ thống MIS-C. Bé đã được điều trị ổn, đang dùng thuốc duy trì có thuốc chống viêm corticoid thì mắc thêm SXH.

Bé được người nhà đưa vào BV ở địa phương do sốt cao, sau đó chuyển lên BV Nhi đồng 2 trong tình trạng sốc. Mặc dù được chống sốc nhưng bé đáp ứng kém và liên tục bị sốc, tổn thương gan, thận phải lọc máu liên tục. Theo BS Qui, trải qua đợt bệnh COVID-19, sức đề kháng của bé còn kém, lại thêm chứng viêm đa hệ thống và virus SXH tấn công khiến các cơ quan càng tổn thương nặng hơn.

Không riêng BV Nhi đồng 2, BV Nhi đồng Thành phố cũng ghi nhận một số ca vừa hết COVID-19 hoặc đang điều trị di chứng viêm đa hệ thống sau COVID-19 vừa nhiễm SXH rất nặng, rối loạn tri giác, tổn thương gan. Điểm đặc biệt là các trẻ đều có phản ứng viêm tăng rất nhiều, trẻ dễ bị sốc hơn (điều này không xảy ra ở trẻ chưa từng nhiễm COVID-19).

Khi nhập viện trễ, quá trình điều trị rất khó khăn, trẻ có thể bị sốc kéo dài, gặp các biến chứng nặng từ cơ quan hô hấp, tiêu hóa, thận, não, gan... thậm chí tử vong.

Điển hình, vừa qua BV tiếp nhận bệnh nhân PNVH (15 tuổi, sống ở Đồng Tháp) từng nhập viện điều trị COVID-19 vào tháng 12-2021 và mắc SXH rất nguy kịch. Trước đó, bệnh nhi sốt cao liên tục hai ngày, nổi mề đay. Khi nhập Khoa nhiễm BV Nhi đồng Thành phố, bệnh nhi sốt cao liên tục, được truyền dịch điện giải theo phác đồ SXH dengue có dấu hiệu cảnh báo.

Tuy nhiên, bệnh nhi nhanh chóng lơ mơ, ngủ gà, sốt cao khó hạ, mạch luôn nhanh nguy kịch, được chuyển Khoa hồi sức tích cực sau bốn ngày điều trị. Các bác sĩ nhận thấy bệnh nhi có phản ứng viêm rất cao và chẩn đoán do đồng nhiễm nhiều tác nhân gồm siêu vi dengue và phản ứng viêm liên quan đến SARS-CoV-2. Tất cả tạo nên phản ứng viêm rất mạnh, gây ra cơn bão cytokin, tấn công mạnh và gây tổn thương nhiều cơ quan, suy gan, thận, não, rối loạn đông máu nặng nề. Bệnh nhi được lọc máu liên tục để hấp phụ cytokine. Sau khi lọc máu, bệnh nhi dần hồi phục, các chỉ số về bình thường.

Theo BS CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố, quá trình điều trị cho các trường hợp này cũng rất khó khăn. “Viêm đa hệ thống sau khi mắc COVID-19, trẻ sẽ được điều trị chống viêm bằng corticoid hoặc dùng thêm các thuốc chống đông. Trong khi đó, corticoid và thuốc chống đông lại không được phép sử dụng trong điều trị SXH vì nó có thể khiến tình trạng xuất huyết nặng hơn, gây nguy hiểm cho bệnh nhân” - BS Tiến chia sẻ thêm.

Hiện số ca mắc SXH ở các tỉnh phía Nam chiếm 80% số mắc và 100% số tử vong của cả nước. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc SXH ở khu vực này tăng 80% và tăng 82% ca tử vong so với giai đoạn năm năm (2016-2020). Số ca tử vong từ đầu năm đến nay là 36 ca, trong đó trẻ em tử vong cao hơn người lớn.

(Theo Viện Pasteur TP.HCM)

Nhập viện trễ điều trị khó khăn

Các bác sĩ lưu ý trong thời điểm dịch SXH lưu hành và có khả năng bùng phát theo chu kỳ, phụ huynh cần chú ý bảo vệ các trẻ từng viêm đa hệ thống, có bệnh nền như béo phì, các trẻ mắc bệnh mạn tính như hội chứng thận hư, hen suyễn, ung thư… phải dùng thuốc kháng viêm kéo dài vốn làm suy giảm miễn dịch của cơ thể.

BS Tiến cũng cảnh báo trẻ có thể bị SXH ngay cả khi không có các triệu chứng điển hình của bệnh. Trẻ có thể bị sốt không cao hoặc không sốt liên tục nhưng vẫn có nguy cơ mắc SXH. Phụ huynh cần chú ý tới các dấu hiệu bất thường ở trẻ để phát hiện kịp thời. Khi nhập viện trễ, quá trình điều trị rất khó khăn, trẻ có thể bị sốc kéo dài, gặp các biến chứng nặng từ cơ quan hô hấp, tiêu hóa, thận, não, gan... thậm chí tử vong.

Phụ huynh cần đặc biệt chú ý tới các trẻ đã từng mắc COVID-19, nhóm trẻ mắc phải hội chứng viêm đa hệ thống trong mùa SXH này. Ngay khi trẻ gặp các triệu chứng như sốt cao, nôn ói, chảy máu mũi, máu răng, tiêu chảy, đi cầu phân đen, mệt mỏi… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám, xét nghiệm để sàng lọc SXH.•

Dấu hiệu sốt xuất huyết cần nhập viện ngay

Nếu thấy trẻ sốt cao trên hai ngày, có biểu hiện một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ vào BV, ngay cả trong đêm:

- Quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì.

- Đau bụng.

- Chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, đi cầu phân đen.

- Tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống.

BS CK2 NGUYỄN MINH TIẾN, Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố

                                                                                                                                  Nguồn: plo.vn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết Website
Thống kê
  • Đang truy cập11
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay2,354
  • Tháng hiện tại80,251
  • Tổng lượt truy cập2,827,599
Dịch vụ Tiêm chủng
Khử trùng, diệt côn trùng
Quan trắc môi trường lao động
Khám, Chữa bệnh Đa Khoa
Dịch vụ xét nghiệm
Kiểm dịch Y tế quốc tế
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây