Trung Quốc bước ra khỏi làn sóng COVID-19 mới nhất

Thứ hai - 06/02/2023 20:03
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, số ca tử vong liên quan đến COVID-19 của Trung Quốc trong tuần qua đã giảm một nửa, từ tổng số 6.364 ca của tuần trước đó xuống còn 3.278 ca.
 
c1b44651551cbc42e50d
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Giới quan sát nhận định số ca tử vong giảm mạnh và số ca mắc COVID-19 có xu hướng giảm cho thấy Trung Quốc đã bước ra khỏi làn sóng dịch hiện nay.

Theo một tuyên bố của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC Trung Quốc), nước này ngày 4/2 báo cáo 3.278 ca tử vong liên quan đến COVID-19 trên 31 tỉnh và khu vực trong khoảng thời gian từ ngày 27/1 - 2/2, bao gồm 131 ca do suy hô hấp và 3.147 ca do các bệnh nền kết hợp với COVID-19. Dữ liệu của CDC Trung Quốc cho thấy số ca tử vong hàng tuần từ ngày 20 - 26/1 là 6.364.

Một chuyên gia giấu tên của CDC Trung Quốc ngày 5/2 nhận định, Trung Quốc đã bước ra khỏi làn sóng COVID-19 hiện tại, với việc số ca nhiễm, ca bệnh nặng và tử vong có xu hướng giảm trong khi các bệnh viện trên toàn quốc đã hoạt động bình thường trở lại. Chuyên gia này cho biết các tỉnh thành đều đã qua đỉnh dịch và 3.000 ca tử vong được báo cáo từ ngày 27/1 - 2/2 vừa qua nằm trong số những người bị nhiễm bệnh vào giữa tháng 1/2023, chứ không phải là những ca nhiễm gần đây.

Theo dữ liệu chính thức do CDC Trung Quốc công bố, số ca mắc COVID-19 đạt đỉnh 6,94 triệu vào ngày 22/12 với số ca mắc mới hàng ngày giảm xuống 15.000 vào ngày 23/1 và sau đó tăng nhẹ lên 24.000 vào ngày 30/1. Tỷ lệ dương tính trong số ca xét nghiệm giảm xuống 2,5% vào ngày 30/1 sau khi đạt đỉnh 29,2% vào ngày 25/12.

Dữ liệu của CDC Trung Quốc cũng cho thấy số lượng bệnh nhân ngoại trú, các trường hợp nặng phải nhập viện và số ca tử vong trong bệnh viện đều có xu hướng giảm. Dữ liệu được báo cáo giữa các tỉnh thành cũng xác nhận làn sóng lây nhiễm mới nhất đã đi đến hồi kết.

Đỉnh dịch đã qua và đang ở mức thấp tại tỉnh Hồ Nam. CDC tỉnh Hồ Nam gần đây cho biết tình hình dịch bệnh ở tất cả các khu vực đều có xu hướng giảm và không có dấu hiệu tăng trở lại. Trong khi đó, Ủy ban Y tế tỉnh Tứ Xuyên cho biết, “trong dịp Tết Nguyên đán, số ca dương tính và bệnh nhân nặng tại các bệnh viện ở tỉnh Tứ Xuyên tiếp tục giảm, không có tình trạng quá tải trong các bệnh viện hay thiếu hụt nguồn lực y tế”.

Tuy nhiên, bước ra khỏi làn sóng dịch lần này không có nghĩa là hết dịch COVID-19. Vị chuyên gia giấu tên của CDC Trung Quốc cho biết, do khả năng xuất hiện các biến thể mới và mức độ kháng thể suy yếu trong dân số, Trung Quốc dự kiến sẽ chứng kiến 1 làn sóng dịch COVID-19 mới bùng phát trở lại vào khoảng tháng 6 hoặc tháng 7.

Theo Tăng Quang, một chuyên gia dịch tễ học nổi tiếng của Trung Quốc, ước tính 80% dân số thủ đô Bắc Kinh đã bị nhiễm COVID-19 trong đợt dịch gần đây, do đó đã hình thành khả năng miễn dịch mạnh mẽ từ việc lây nhiễm tự nhiên và nhờ tiêm vaccine.

Theo dữ liệu quốc tế, khả năng miễn dịch do nhiễm bệnh tự nhiên tạo ra sẽ mất dần trong vòng 5 hoặc 6 tháng, nhưng sẽ bảo vệ con người khỏi các triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong trong một thời gian dài. Vị chuyên gia giấu tên cho rằng làn sóng dịch tiếp theo khó có khả năng giống như những gì Trung Quốc đã trải qua hồi tháng 12 năm ngoái và sẽ không đe dọa hệ thống y tế, đồng thời sẽ không có nhiều trường hợp nghiêm trọng.

Trong nỗ lực đối phó với làn sóng dịch tiếp theo, nhiều tỉnh thành của Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành điều tra kháng thể và một số tỉnh đã thiết lập ứng dụng di động để thu thập kết quả xét nghiệm kháng nguyên do công chúng cung cấp. Khi các kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán và Tết Nguyên Tiêu chuẩn bị kết thúc, các trường học trên toàn Trung Quốc sẽ bắt đầu mở cửa trở lại.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) đã ban hành một hướng dẫn nêu rõ các lớp học tại chỗ trong khuôn viên các trường không phải điểm bùng phát dịch bệnh có thể hoạt động bình thường, trong khi những nơi dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn nên được quản lý khép kín.

Việc có kết quả xét nghiệm âm tính để ra vào các trường đại học và trường phổ thông là không bắt buộc. Hướng dẫn cũng lưu ý rằng các trường đại học không bắt buộc phải tiến hành xét nghiệm axit nucleic đại trà mà nên thiết lập các trung tâm điều trị sốt hoạt động 24/7 để xử lý các trường hợp lây nhiễm có thể xảy ra.

Vị chuyên gia giấu tên của CDC Trung Quốc nhấn mạnh, “trường học là nơi đặc biệt đông đúc và thiếu điều kiện giãn cách xã hội nên học sinh cần thận trọng và đeo khẩu trang đúng cách để đề phòng bùng phát dịch trên diện rộng”.

                                                                                                                           Nguồn: baotintuc.vn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết Website
Thống kê
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay5,191
  • Tháng hiện tại134,979
  • Tổng lượt truy cập2,735,499
Dịch vụ Tiêm chủng
Khử trùng, diệt côn trùng
Quan trắc môi trường lao động
Khám, Chữa bệnh Đa Khoa
Dịch vụ xét nghiệm
Kiểm dịch Y tế quốc tế
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây